công an Đồng Tháp

null Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người

Chi tiết bài viết Tin nổi bật

Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người

Việc nhẹ lương cao từ 20 triệu đến 30 triệu/01 tháng, không cần bằng cấp, được đào tạo có lương, bao mọi chi phí. Đó là những lời chào mời mà tội phạm mua bán người sử dụng thời gian qua để lừa đảo người dân. Với những chiêu trò lừa đảo trên, một số phụ nữ, thanh thiếu niên bị lừa bán, sau đó đòi tiền chuộc từ gia đình.

Tuy vụ việc đã xảy ra gần 01 năm, nhưng mỗi khi nhắc lại, chị N, ngụ huyện Thanh Bình vẫn còn hốt hoảng khi kể lại câu chuyện con gái chị lừa bán. Để phụ giúp mẹ, con gái chị mới 15 tuổi đã cùng với bạn lên Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm. Vào khoảng trung tuần tháng 3 năm 2023, con chị cùng bạn đến Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm, nhưng không tìm được do 02 em còn nhỏ tuổi.

Thông qua tài khoản facebook tên “Quynh Tây”, con chị quen người tên Liêm. Sau khi thỏa thuận, con chị và người bạn được Liêm đồng ý nhận vào làm ở quán karaoke gia đình, lương từ 10 đến 20 triệu đồng. Tối hôm đó, Liêm cho người đến đón con chị và bạn đưa đi, mặc dù nói đưa đi làm, nhưng thật sự là lừa đem bán. Bạn con gái chị bị bán ở Bình Dương, còn con chị bị bán cho người tên Hoa ở ĐăkLăk với giá 25 triệu đồng. Con chị bị nhốt trong căn nhà ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐăkLăk, có người canh giữ nghiêm ngặt 24/24, bị ép viết giấy nợ 25 triệu đồng, bị giữ CCCD. Hàng ngày có người chở con chị đi phục vụ ở các quán karaoke và quán nhậu, tiền công bị đối tượng giữ, cuối tháng con gái chị chỉ nhận được 50% số tiền kiếm được. Các đối tượng còn ra điều kiện điều kiện muốn trả tự do thì người nhà phải bỏ tiền để chuộc về.

Chị N kể lại:

“Bé nó nói đi xin làm công ty, rồi nó bị bắt. Bà chủ nó nhắn tin, 37 triệu mới cho chuộc. Nhỏ con nói mẹ con giờ lo được 29 triệu hà, bà chủ nói lo 32 triệu mới cho chuộc, em mới nói nhà bây giờ đâu còn cái gì nữa đâu, có bán cái nhà được 25 triệu với mượn người ta 29 triệu 500. Em xuống cơ quan Công an trình mấy anh Công an Đồng Tháp. Sau 05 giờ, mấy anh Công an Đồng Tháp, Công an Đăklak bắt được đối tượng, cứu, giải vây con em”.

Tại đây, không chỉ giải cứu con chị N, Công an tỉnh ĐăkLăk còn giải cứu thêm 13 em khác cũng bị bắt, lừa bán thuộc các tỉnh thành khác. Tính từ năm 2023 đến nay, phòng Cảnh sát hình sự Công an Đồng Tháp đã tiếp nhận thông tin người dân hướng dẫn kỹ năng cho bị hại bị lừa bán, tự giải cứu 02 trường hợp, phối hợp phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh ĐakLak giải cứu 01 trường hợp, tiếp nhận và liên hệ Cục Cảnh sát hình sự trao đổi phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn triển khai lực lượng phối hợp giải cứu kịp thời 01 nạn nhân ở huyện Hồng Ngự bị lừa bán đang chuẩn bị đưa qua biên giới Lạng Sơn. Ngoài ra phòng còn phối hợp với đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà tiếp nhận xác minh và điều tra tin báo 02 nạn nhân bị mua bán sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao, qua đó điều tra đã khởi tố 01 đối tượng.

 

Nói về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, Thượng tá Võ Thành Long- Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự cho biết:

 “Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là thông qua quan hệ xã hội tìm kiếm “con mồi” hoặc sử dụng mạng xã hội Facebook, lập trang WEB ảo để đăng thông tin: Tuyển dụng làm việc online với những thông tin “hấp dẫn” như: việc nhẹ lương cao từ 20 triệu đến 30 triệu/01 tháng, không cần bằng cấp, được đào tạo có lương, bao mọi chi phí, làm việc tại  các Công ty, nhà máy, nhà hàng, quán ăn ở một số tỉnh thành trong nước như là Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, TP. Hồ Chí Minh và nước ngoài, trong đó có Campuchia.  Giới thiệu lấy chồng nước ngoài, việt kiều với cơ hội đổi đời, giàu sang”.

 

Được biết, sau khi lừa được bị hại đồng ý làm việc, các đối tượng sẽ liên hệ với các đối tượng khác tổ chức đưa nạn nhân phục vụ ở các quán café, bar, karaoke, nhà hàng, thậm chí ép nạn nhân bán dâm ở một số tỉnh, thành trong nước. Ngoài ra các đối tượng còn tổ chức đưa bị hại bán sang Trung Quốc để làm “vợ” cho nhiều người trong cùng một gia đình hoặc bị bán sang một số nước khác để ép bị hại bán dâm.

Ngoài ra, các đối tượng tổ chức đưa bị hại đi theo các đường tiểu ngạch của các tỉnh biên giới giáp với Campuchia bán bị hại vào các tòa nhà hoặc cơ sở sòng bạc do người Trung Quốc điều hành ép buộc nạn nhân làm những công việc như: đi lừa đảo, lập các nhóm zalo, facebook dẫn dụ người dân đánh bạc trực tuyến, chơi game bài online đổi tiền thưởng, đầu tư tài chính. Nếu nạn nhân không đáp ứng được công việc bị đánh đập, bỏ đói, chích điện, không cho liên lạc với gia đình, thậm chí tiếp tục bán bị hại cho những công ty khác. Nếu muốn trở về Việt Nam thì gia đình phải đưa tiền chuộc từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Nhận định trong thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên cả nước đang có nhiều chuyển biến phức tạp, nhất là các địa bàn khu vực biên giới. Riêng Đồng Tháp cũng là một trong những tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia, từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người. Trong năm 2024, lực lượng Công an Đồng Tháp tiếp tục làm tốt công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, rà soát các tuyến, địa bàn, các cơ sở kinh doanh có điều kiện có liên quan mà các đối tượng lợi dụng để hoạt động mua bán người để đưa vào quản lý và có biện pháp đấu tranh. Nắm tình hình địa bàn, quản lý chặc các loại đối tượng có liên quan trên địa bàn, thường xuyên mời gọi hỏi răn đe, giáo dục các đối tượng có khả năng, điều kiện liên quan đến các hoạt động mua bán người. Tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán người để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh bị xa vào bẫy của bọn mua bán người. Tham mưu cho Công an tỉnh thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hổ trợ nạn nhân bị mua bán, quan tâm tư vấn, hổ trợ giới thiệu học nghề, tạo việc làm cho nạn nhân.

 Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết bản thân mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi cho bọn tội phạm mua bán người hoạt động. Đồng thời, Thượng tá Võ Thành Long- Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự còn khuyến cáo người dân: 

 “Luôn cảnh giác với người lạ kể cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Khi có nhu cầu xuất khẩu lao động ra nước ngoài, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin qua nhiều kênh chính thống và liên hệ các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín. Tuyệt đối không tin lời của các cá nhân và xuất khẩu lao động theo các đường tiểu ngạch, trốn ra nước ngoài bằng các đường mòn, lối mở”.

Khi bị lừa đảo, phát hiện nạn nhân hoặc đối tượng lừa đảo, người dân cần kịp thời phản ánh với Công an xã nơi gần nhất hoặc thông báo ngay đến đường dây nóng của Công an tỉnh qua số điện thoại 0693.620.112 hoặc phòng Cảnh sát hình sự Công an Đồng Tháp qua số điện thoại 0693.620.202 để được hướng dẫn, xử lý kịp thời./.

                                                                             NGỌC HÂN

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn