công an Đồng Tháp

null Kỹ năng thoát nạn khi cháy nhà ống

Chi tiết bài viết Tin nổi bật

Kỹ năng thoát nạn khi cháy nhà ống

Trong thời gian qua, cả nước có rất nhiều tai nạn thương tâm do hỏa hoạn gây ra chủ yếu tại quán karaoke, hộ gia đình… đặc biệt là kiến trúc nhà ống tại các khu dân cư. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) & cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 09 vụ cháy, trong đó có 04 vụ cháy nhà ống.

Kiến trúc của mỗi nhà ống, đặc biệt nhà ống nhiều tầng đều khác nhau, do đó, khi chuyển tới sống hay làm việc tại bất cứ căn hộ nào, người dân cũng nên tìm hiểu kỹ chỉ dẫn thoát hiểm. Bởi hỏa hoạn thường sẽ khởi nguồn từ những đám cháy nhỏ và sẽ bùng phát dữ dội nếu không được phát hiện, dập tắt kịp thời. Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm, khi mọi người đã say giấc. Do vậy, để tránh hậu quả nặng nề do hỏa hoạn gây ra, mỗi người dân phải nắm rõ những kỹ năng thoát hiểm nhanh chóng và an toàn nhằm bảo vệ được tính mạng cũng như tài sản của mình và mọi người xung quanh.

Một dạng nhà ống có tầng lầu

* Kỹ năng thoát khỏi đám cháy nhà ống

Bước 1: Sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập tắt đám cháy.

Bước 2: Nếu không dập tắt được lửa hãy ra khỏi phòng và đóng cửa phòng bị cháy lại để tránh cháy lan. Sau đó điện thoại cho tổng đài 114 thông báo đến lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp đến xử lý và không nên quay trở lại để thu gom đồ đạc với bất kỳ lí do nào.

Bước 3: Tìm lối thoát nạn sẵn có theo đường Exit hoặc đèn chỉ dẫn mũi tên màu xanh. Hãy sử dụng cầu thang bộ, không nên sử dụng thang máy.

Bước 4: Trên đường thoát nạn, tìm cách báo cho hàng xóm và người ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra.

Bước 5: Khi di chuyển hãy dùng áo, chăn, màn nhúng ướt, trùm lên người và vượt qua lửa thật nhanh chóng.

Bước 6: Thực hiện tư thế bò, đi khom người khi di chuyển trong phòng có nhiều khói. Nếu không nhìn thấy lối thoát nạn thì nên lần sờ một bên tường để di chuyển. Trong quá trình thoát nạn nên sử dụng khăn ướt che mũi để bảo vệ đường hô hấp.

Bước 7: Khi ở trong phòng muốn mở cửa để thoát nạn, phải kiểm tra nhiệt độ cánh cửa bằng mu bàn tay bởi nếu lòng bàn tay bị tổn thương sẽ rất khó cho bạn trong quá trình thoát hiểm. Khi mở cửa nên tránh mặt và người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nếu nhiệt độ cao tuyệt đối thì không được mở cửa. Trường hợp không có lối thoát phải chạy nhanh ra phía cửa sổ, ban công để ra hiệu cho mọi người biết vị trí bị nạn của mình để họ tìm cách cứu mình thoát khỏi đám cháy nhanh nhất.

Bước 8: Tuyệt đối không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất khi không có có hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.

* Một số giải pháp phòng, chống cháy, nổ trong nhà ống

Qua một số vụ cháy ở các ngôi nhà dạng ống tại các khu dân cư, đặc biệt là nhà ống có nhiều tầng, có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu là do một số người dân sử dụng các thiết bị điện không an toàn và sơ suất, bất cẩn khi sử dụng lửa trần. Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức cơ bản về PCCC như không trang bị nhưng phương tiện chữa cháy cần thiết, xây dựng nhà ở không đảm bảo an toàn về PCCC... cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ cháy gây thiệt hại nặng nề.

Thiếu tá Võ Văn Toàn, Đội công tác phòng cháy và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh lưu ý một số vấn đề PCCC đối với nhà ở trong khu dân cư: Khi xây dựng nhà, người dân cần phải thiết kế lối thoát hiểm cũng như chuẩn bị phương tiện PCCC để đề phòng những sự cố cháy, nổ xảy ra. Đặc biệt, phải thiết kế sao cho bên ngoài không thể vào được nhưng bên trong có thể ra được dễ dàng. Ví dụ như phải để chìa khóa mở cửa thoát hiểm ở vị trí các thành viên trong gia đình đều biết và sử dụng được khi cần. Đặc biệt, cần treo thêm một chiếc búa nhỏ gần ổ khóa để trong trường hợp khẩn cấp, nếu mở không được thì dùng búa đập khung sắt để thoát ra ngoài. Người dân không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu; không sự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở; ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu phải kín.

Ngoài ra, không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan; thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện, các thiết bị bảo vệ như công tác, cầu chi, aptomat; không để các vật liệu dễ cháy như màn, rèm, nhang, giấy... ở gần các thiết bị thiêu thụ điện. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người cao tuổi mắt kém, người khuyết tật, người bị tâm thần sử dụng thiết bị điện; bố trí nơi thờ cúng hợp lý; đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas thì phải có biện pháp chống thủng ống dẫn gas. Quá trình đun nấu cần có người trông coi, nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ nên kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng và tắt thiết bị điện không cần thiết.

Người dân không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khóa; chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Nhà có trẻ nhỏ, người nhà, người khuyết tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của họ khi ngủ. Mỗi gia đình cần trang bị và sử dụng thành thạo các dụng cụ cần thiết để phục vụ cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Công tác PCCC không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Do đó, mỗi cơ quan, tổ chức và công dân phải thực hiện đầy đủ các biện pháp PCCC nhằm phòng ngừa hỏa hoạn, nhất là tại các khu dân cư.

                                                                                                              Thanh Thảo

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn