công an Đồng Tháp

null Làm thế nào khi bị tín dụng đen 'khủng bố'?

Chi tiết bài viết Thông tin cần biết

Làm thế nào khi bị tín dụng đen 'khủng bố'?

Không đi vay nhưng vẫn liên tục bị "réo tên" đòi nợ, thậm chí bị bôi nhọ, vu khống, xúc phạm danh dự trên mạng xã hội… là tình cảnh không ít người gặp phải khi có tên trong danh bạ điện thoại của người đi vay hoặc bị người đi vay liệt kê trong danh sách các mối quan hệ như một thứ "tài sản bảo đảm".

Ông P.V.G, nhân viên Văn Phòng Huyện uỷ Thanh Bình, anh T.V.T, chuyên viên Phòng Văn hoá và Thông tin huyện, anh H.Q.T nhân viên Trung tâm y tế huyện Thanh Bình hay chị T.T.D.M, chuyên viên Phòng KTHT và rất nhiều trường hợp khác trên địa bàn huyện Thanh Bình thời gian qua là một trong những người bị rơi vào hoàn cảnh như vậy. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần, danh dự, công việc, bạn bè người quen của các trường hợp trên khi ngày ngày có người nhắn tin dọa dẫm, gọi điện, đăng tin trên Facebook, Zalo cá nhân và của bạn bè, người thân. Điều vô lý ở đây là các trường hợp trên không phải người đi vay nặng lãi hay có hành vi lừa đảo, thậm chí không quen biết người đang đi vay nặng lãi".

Không chỉ vậy, các đối tượng đòi nợ thuê còn gọi điện quấy rối đến tất cả những người thân, người làm việc cùng cơ quan, nhất là cán bộ lãnh đạo với tần suất ngày một cao kèm những lời lẽ thô tục, xúc phạm. Khi bị hù dọa báo Công an thì các đối tượng trên tự động tắt máy. Các số máy đối tượng dùng hầu như không thể liên lạc lại được.

Các trường hợp trên đều không phải là trường hợp cá biệt, rất nhiều người đã và đang bị rơi vào tình cảnh này, nhất là khi hiện nay hình thức vay tín chấp qua ứng dụng (app) trên điện thoại đang nở rộ. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp kể trên đều không có kỹ năng phòng vệ, phản ứng để bảo vệ bản thân mà chỉ nín nhịn.

NGUYÊN NHÂN BỊ QUẤY RỐI VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH, XỬ LÝ

Khi vay tiền bằng hình thức này, người vay phải cho phép người cho vay được quyền sử dụng, truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội thông qua app. Tới lúc người vay không trả tiền đúng hạn hay mất liên lạc, người cho vay sẽ gọi điện, nhắn tin tới những số trong danh bạ nhằm gây áp lực trả nợ.

Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể thế nào là tín dụng đen. Trên thực tế, tín dụng đen có thể hiểu là một hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao hơn quy định của pháp luật từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước (còn gọi là cho vay lãi nặng).

Thời gian qua, hoạt động tín dụng đen, cho vay qua app, sau đó đòi nợ kiểu "khủng bố", "xã hội đen" phát triển mạnh ở các khu công nghiệp, trường cao đằng, đại học tại nhiều tỉnh, thành phố. Đối tượng mắc vào bẫy tín dụng đen phần lớn là sinh viên và công nhân, lao động nghèo.

Có rất nhiều người không vay nợ, cũng không bảo lãnh cho người khác vay, chẳng liên quan gì đến khoản vay, nhưng bị cá nhân, tổ chức tín dụng đen nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa, đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân lên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… gây áp lực để đòi nợ người vay.

Mặc dù, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện, đấu tranh triệt phá các nhóm đối tượng cho vay lãi nặng; xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử, nhưng hoạt động tín dụng đen gắn với thủ đoạn, hình thức khủng bố tinh thần nạn nhân vẫn chưa được loại bỏ triệt để.

Để tránh trở thành nạn nhân, Công an huyện Thanh Bình khuyến cáo, người dân tuyệt đối không vay tín dụng đen, thường xuyên nhắc nhở người thân, con em về việc này. Đối với sinh viên, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vay vốn thì liên hệ với ngân hàng chính sách xã hội để được vay với lãi suất hỗ trợ.

Trong trường hợp bị tổ chức tín dụng đen, cho vay lãi nặng khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự nhân phẩm trên mạng xã hội hoặc đe dọa, đập phá đồ đạc, gây thương tích, bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ thì ngay lập tức báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết.

Để bảo vệ bản thân mình, cần cung cấp cho cơ quan công an số điện thoại, nội dung tin nhắn, thu thập các tài liệu, chứng cứ về việc bị vu khống, bôi nhọ danh dự, như các bài đăng và hình ảnh bôi nhọ danh dự, các bài đăng vu khống vay tiền, lừa đảo. Ghi âm những lời lẽ, cuộc gọi vu khống, đe dọa.

Đối với tổ chức cá nhân hoạt động tín dụng đen lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, làm nhục danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi cho vay lãi nặng trong quan hệ dân sự có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Phạt tiền hành vi vu khống, xúc phạm cá nhân trên internet

Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (tình trạng còn hiệu lực), thì Nhà nước nghiêm cấm việc lợi dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Điểm a, Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (tình trạng còn hiệu lực) quy định:

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên.

Có thể xử lý hình sự

Trường hợp tín dụng đen bắt giữ người trái pháp luật hoặc siết nợ trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt giữ người trái pháp luật hoặc tội cướp tài sản.

Điều 155 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định "Tội làm nhục người khác như sau:

"1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;".

Điều 201 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định "Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" như sau:

"1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Do vậy, Công an huyện Thanh Bình mong muốn cơ quan chức năng thông tin rộng rãi, hướng dẫn người dân các biện pháp để bảo vệ bản thân cũng như có hành động tích cực để dẹp nạn tín dụng đen.

Ngọc Hùng – CAH. Thanh Bình

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn