công an Đồng Tháp

null Cảnh giác lừa đảo cài đặt định danh điện tử và một số thủ đoạn phổ biến qua mạng xã hội

Chi tiết bài viết Tin nổi bật

Cảnh giác lừa đảo cài đặt định danh điện tử và một số thủ đoạn phổ biến qua mạng xã hội

Ngoài các thủ đoạn lừa đảo như: Chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook của bạn bè, người thân để nhắn tin mượn tiền, sử dụng công nghệ deepfake ghép mặt, giả giọng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả danh cán bộ thuế, hướng dẫn cài đặt các App giả mạo để đánh cắp thông tin người dùng rồi chiếm đoạt tài sản...Gần đây trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn tiếp nhận thủ đoạn lừa đảo giả mạo cơ quan Công an hướng dẫn người dân kích hoạt định danh điện tử mức 2 để chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Đồng Tháp tiếp nhận tin báo của bị hại về việc bị đối tượng lừa đảo qua mạng giả mạo cơ quan Công an hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 để chiếm đoạt tài sản trên 01 tỷ đồng. Đại úy Nguyễn Trường Kỳ- Phó Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, thuộc phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Đồng Tháp cho biết phương thức, thủ đoạn này như sau:

“Đối tượng sử dụng các sim rác, giới thiệu là Công an nơi mình thường trú để hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử ở mức độ 2, yêu cầu nạn nhân truy cập vào đường link lạ để tải ứng dụng. Ứng dụng này có chứa mã độc trong đó và để logo của Cục an toàn thông tin truyền thông. Khi nạn nhân tải ứng dụng này về, sẽ hướng dẫn cài đặt để thu thập thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng và yêu cầu nạn nhân cung cấp quyền truy cập. Sau khi truy cập, các đối tượng đã kiểm soát được và theo dõi được điện thoại của mình từ xa. Mục đích của đối tượng là đăng nhập vào tài khoản ngân hàng để thực hiện việc chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của mình thông qua dịch vụ Smart Baking qua tài khoản của đối tượng”.

 

Bên cạnh phương thức, thủ đoạn trên còn xảy ra các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là giả mạo công ty tài chính lừa cho vay tiền qua mạng thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, mời gọi tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán hoặc tham gia đầu tư vào tiền điện tử, tiền ảo, lừa đảo thông qua hình thức tuyển cộng tác viên làm việc online...Tính từ đầu năm 2023 đến nay, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận 24 nguồn tin tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội của người dân, tổng tài sản thiệt hại trên 22 tỷ đồng.

Các thủ đoạn trên là lừa tiền, còn tại huyện Tháp Mười mới đây xảy ra 01 vụ lừa tiền, cả tình. Đối tượng là Huỳnh Văn Hoàng, sinh nhăm 1975, ngụ xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh.Thiếu tá Phạm Nguyễn Minh Đức- Phó Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Tháp Mười thông tin: “Thủ đoạn đối tượng Hoàng là làm quen bị hại, sau đó nhắn tin qua lại trên mạng xã hội giới thiệu mình chưa có gia đình, có nhiều tài sản. Hoàng giả vờ yêu thương đối với bị hại đến một ngày hẹn bị hại đến quê mình để chơi. Gặp mặt đối tượng không dắt đến nhà mà dẫn ra quán cà phê và nói bị hại để tài sản vào trong cốp xe đối tượng an toàn, bị hại tin tưởng để tài sản của mình là 02 điện thoại, tiền vàng vào trong cốp xe đối tượng. Lợi dụng bị hại vào quán cà phê kêu nước uống, đối tượng lên xe tẩu thoát”.

Đối tượng Huỳnh Văn Hoàng

Tổng số tiền bị hại bị lừa gần 50 triệu đồng. Để tránh sự phát hiện của bị hại, trước khi đến gặp bị hại, đối tượng Hoàng đã thay biển số giả vào xe của đối tượng. Qua vụ việc này, Thiếu tá Phạm Nguyễn Minh Đức- Phó Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Tháp Mười có lời khuyên:“Để cảnh giác người mình mới quen, quen qua mạng xã hội hoặc chưa biết rõ người mình quen. Quá trình làm quen nên tìm hiểu rõ về người đó, nhân thân, việc làm của họ có đúng như họ giới thiệu. Khi hẹn ra gặp mặt nên hẹn ở nơi công cộng, tài sản của mình mình trực tiếp bảo quản không nên giao tài sản cho người khác bảo quản. Khi phát hiện bị lừa báo Công an xã gần nhất.”

Trở lại các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, tuy hiện nay, Công an toàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, nhưng do đối tượng lừa đảo qua mạng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi,  đánh vào lòng tham, hám lợi, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu thiếu hiểu biết, chưa cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, nên đã bị lừa. Để tránh bị lừa đảo, Đại úy Nguyễn Trường Kỳ- Phó Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, thuộc phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Đồng Tháp khuyến cáo người dân: “Mỗi người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng thông qua điện thoại và mạng Internet. Không vay tiền online, không nộp các loại phí, thuế do đối tượng yêu cầu để được nhận khoản vay. Cảnh giác trước các lời mời, quảng cáo, tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng, lời mời tham gia đầu tư tài chính trên không gian mạng.”

          Tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, bên cạnh việc cảnh giác với số điện thoại lạ, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không chuyển tiền, đặc biệt là những người tự xưng Công an. Mọi người, không nên bấm vào các đường link lạ mà đối tượng gửi đến qua tin nhắn, mạng xã hội hay email để không bị “sập bẩy” của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội./.                                                            

                                                                            NGỌC HÂN

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn