công an Đồng Tháp

null Cảnh giác mạo danh facebook và một số thủ đoạn lừa đảo qua mạng khác

Chi tiết bài viết Tin nổi bật

Cảnh giác mạo danh facebook và một số thủ đoạn lừa đảo qua mạng khác

Hiện nay, tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi. Không chỉ các thủ đoạn lừa đảo mạo danh Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, người nước ngoài, tuyển cộng tác viên online, vay qua app, chiêu trò trúng thưởng… để lừa đảo, gần đây còn xuất hiện thêm thủ đoạn mới, là tạo lập tài khoản Facebook, mạo danh người thân của một ai đó, yêu cầu gia đình, người thân, bạn bè của người đó, nạp card điện thoại, chuyển tiền qua tài khoản.

Mới đây, vào ngày 16/9/2023, bà C ngụ huyện Thanh Bình đến Công an xã trình báo về việc bị đối tượng lạ mặt sử dụng mạng xã hội facebook, tạo tài khoản có tên và ảnh đại diện giống facebook của con gái bà. Do con gái bà C đang đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Nội dung tin nhắn, yêu cầu bà C mua thẻ cào chuyển cho con gái để bán lại kiếm lời. Tưởng thật, bà C mượn tiền của người thân số tiền 25.000.000đ để mua thẻ nạp tiền điện thoại, gồm các mệnh giá 500.000đ, 1.000.000đ. Mua xong, bà C chụp ảnh thẻ nạp và gửi cho tài khoản Facebook trên. Thấy bà C không nghi ngờ, đối tượng yêu cầu bà C mua thêm 15.000.000 tiền thẻ nạp điện thoại, do hết tiền, nên bà C không mua nữa. Sau lần yêu cầu này, bà C nghi ngờ bị lừa, nên đã gọi cho con gái của bà để xác thực thông tin thì mới biết đã bị lừa.

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 45 vụ lừa đảo qua mạng với số tiền thiệt hại trên 13 tỷ đồng. Riêng địa bàn huyện Thanh Bình, từ đầu năm đến nay xảy ra 14 vụ, tổng tài sản thiệt hại trên 877 triệu đồng, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau như: Lừa đảo vay qua app, giả mạo cơ quan Công an, nhận quà tặng, mua xe máy qua mạng, cộng tác viên online, tài khoản facebook bị chiếm quyền sử dụng…Nhưng nhiều nhất, vẫn là lừa đảo tuyển cộng tác viên online (tức mua hàng đầu tư sinh lời), bởi đối tượng lừa đảo nắm được tâm lý nhàn rỗi của phụ nữ, bọn chúng đã kêu gọi mua hàng online trên mạng để hưởng lời, nhưng mục đích là lừa đảo.

Chị N- một nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo bằng “chiêu thức” đầu tư sinh lời cho biết, chỉ trong 05 phút giao dịch trên mạng. Chị đã dùng số tiền 61 triệu đồng tích cốp gần 01 năm để trả nợ vay ngân hàng để đầu tư vào, cuối cùng chị bị lừa mất trắng. Chị N kể:

“Ngày 15.9 em có lên trang bán sửa tiệt trùng cho bé, em có vô đó tham gia và chuyển cho chị Trưởng nhóm. Chỉ hướng dẫn em vô đó chơi, làm tài khoản rút tiền, làm việc trên online. Lúc đầu em nhập với số lượng nhỏ 01 triệu đổ lại. Hướng dẫn cho em nạp mua hàng sản phẩm, cứ chuyển vô từ 03 triệu, 05 triệu rồi 10 triệu trong vòng 05,10 phút. Nói là nạp trể, làm thêm công tác, mới rút được tiền, , em nạp 61 triệu tiếc tiền nộp hoài ”. 

 

Được biết, trong 14 vụ lừa đảo qua mạng mà Công an huyện Thanh Bình tiếp nhận với các thủ đoạn trên, thì có một vài vụ lừa đảo người dân đóng tiền phí điện lực qua mạng, nhưng do người dân cảnh giác nên không bị “sập bẩy” lừa. Để cảnh giác với tội phạm lừa đảo qua mạng, Trung tá Đặng Chí Công- Phó Đội trưởng đội An ninh nhân dân Công an huyện Thanh Bình khuyến cáo:

“Khuyến cáo người dân hết sức tỉnh táo xem lại các trang xin việc làm qua không gian mạng, kêu gọi việc làm nhẹ lương cao, vay tiền qua các app ngân hàng, cài đặt VNEID, trả tiền qua các dịch vụ điện nước. Động viên gia đình, bản thân, bạn bè mình khi có trường hợp chiếm đoạt quyền sử dụng facebook thì khóa tài khoản facebook, không nên liên lạc. Người dân hết sức cảnh giác mượn tiền thì kiểm tra người mượn là ai, thứ 2 khi thấy tin nhắn mượn tiền không nên chuyển tiền để tránh những thiệt hại”.

Để tránh bị lừa đảo qua mạng, mọi người không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, không chuyển tiền cho người khác khi chưa xác thực. Điều quan trọng là trước tiên, mọi người không nên hám lời. Nếu hám lời các đối tượng sẽ đánh vào lòng tham của mọi người để dẫn dắt chúng ta “sập bẩy” lừa đảo mà không hay. Trung tá Đặng Chí Công- Phó Đội trưởng đội An ninh nhân dân Công an huyện Thanh Bình nói:

“Cũng mong bà con không nên ham lợi số tiền quá cao, khi mình không bỏ mồ hôi, chỉ có người thân và bạn bè của mình mới giúp đỡ mình thôi. Những người không quen, không biết, không ai giúp không cho mình cả, cho nên người dân hết sức tỉnh táo vấn đề này”

Khi nhận tin nhắn mượn tiền của người thân, bạn bè qua mạng xã hội, người dân, cần điện thoại trực tiếp để xác thực thông tin. Trong trường hợp bị lừa đảo, cần nhanh chóng báo ngay đến cơ quan Công an gần nhất, để xử lý kịp thời. Mọi người, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, để tránh trường hợp bị các đối tượng lừa đảo qua mạng “xâm nhập” vào./.

                                                                    NGỌC HÂN

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn