công an Đồng Tháp

null Nhận diện tin giả trên không gian mạng

Chi tiết bài viết Tin nổi bật

Nhận diện tin giả trên không gian mạng

Trước hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, gây hoang mang trong dư luận xã hội tại địa phương. Thì mỗi ngày, mỗi giờ, trên Internet, mạng xã hội có hàng trăm ngàn thông tin liên quan đến dịch Covid-19. Trong đó, có không ít những thông tin sai sự thật, gây tâm lý hoang mang trong dư luận và gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch của các cơ quan chức năng. Những thông tin này ít nhiều đã gây tác động tiêu cực đến tâm lý của người dân, tạo nên những cách nhìn tiêu cực về công tác phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương. Trong bài viết này xin nêu 1 số thông tin về tin giả.

Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội. Thực tế, những thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật, được cung cấp bởi các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống. Đây là một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng, Mạng xã hội (Facebook, Google, Zalo…) trở thành nền tảng lan truyền tin giả phổ biến nhất. Tin giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng trong đăng tải tin giả, nguy hiểm nhất là việc sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng và làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới. Nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách” về vấn đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực. Thông thường, tin giả được tạo ra có mục đích vụ lợi, thu hút lượt xem, lượt thích của cộng đồng mạng, tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều tin giả được tạo ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Nhiều tin giả mang nội dung riêng tư, bịa đặt, xuyên tạc hoặc thật giả lẫn lộn lên mạng nhằm khủng bố tinh thần và tạo dư luận xã hội trên cộng đồng mạng phục vụ các ý đồ đen tối, gây phương hại đến ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Để nhận diện tin giả, chúng ta có thể tham khảo một số nội dung sau:

Một là, kiểm tra, xem xét nguồn tin

Hiện nay, bạn có nhiều kênh để tiếp nhận thông tin, từ truyền hình, radio, các trang báo online, trang thông tin điện tử, cổng thông tin của các cơ quan nhà nước… Nguồn tin còn đến từ mạng xã hội, các hội nhóm hay bạn bè, những người xung quanh bạn. Tất nhiên, trong hàng trăm, hàng ngàn tin tiếp nhận mỗi ngày, có tin chính xác, có tin không chính xác.

Để nhận được những thông tin chính xác, chúng ta nên theo dõi tin tức trên truyền hình hoặc những trang báo uy tín. Các trang website của báo chính thống thường có tên miền .vn và có thông tin đầy đủ của cơ quan báo chí tại chân trang. Tin tức được truyền tải trên những kênh này đã qua nhiều vòng kiểm duyệt.

Hai là, kiểm chứng nguồn tin

Với mỗi thông tin đăng tải trên báo chí hay trên mạng xã hội, chúng ta vẫn cần kiểm chứng xem thông tin chính xác không bằng cách: đọc và tìm hiểu nguồn tin đó có được cung cấp bởi người có thẩm quyền, đúng chức năng, được phép phát ngôn cung cấp thông tin hay không. Những thông tin trong bài viết có nêu rõ tên người, địa phương, thời gian… không. Với những tin chung chung, không rõ tên nhân vật, địa danh… cụ thể, chúng ta cần kiểm chứng lại.

Tin giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất.

Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra được dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.

Ngoài ra, cần đọc kỹ nội dung xem thông tin đó là tin tức thật, hay trò đùa của người đăng.

Ba là, kiểm tra lại thông tin, hình ảnh minh họa

Tin giả không chỉ là những dòng chữ viết, mà đôi khi, còn là các hình ảnh. Người dùng mạng xã hội luôn nghĩ, hình ảnh là minh chứng rõ ràng nhất, và tin ngay những thông tin trong hình ảnh đó. Nhưng thực sự, những hình ảnh có thể bị làm giả, bị cắt ghép, chỉnh sửa theo từng dụng ý khác nhau của người đăng tải thông tin.

Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google for image”.

Bốn là, hỏi ý kiến chuyên gia và các cơ quan chức năng đáng tin cậy

Bản thân người dùng mạng xã hội nói nhận thấy nguồn tin đó không đáng tin cậy, khó kiểm chứng thì có thể hỏi ý kiến những chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong việc xác thực tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Hoặc có thể gửi thông tin mà bản thân cảm thấy nghi ngờ vào các trang website, mạng xã hội của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cơ quan Công an.

Tại tỉnh Đồng Tháp, người dùng có thể gửi thông tin vào trang các trang website, mạng xã hội của UBND Tỉnh, sở, ban, ngành Tỉnh (ví dụ như Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp) hoặc có thể gửi trực tiếp vào Website Công an tỉnh Đồng Tháp (congandongthap.gov.vn) hoặc Trang mạng xã hội Zalo, fanpage facebook của “Phòng An ninh mạng Công an Đồng Tháp” để được hướng dẫn, hỗ trợ hoặc tố giác về tin giả.

Fanpage và Zalo “Phòng An ninh mạng Công an Đồng Tháp” tiếp nhận tố giác về tin giả trên không gian mạng

Năm là, kiểm tra lại thời gian

Về mốc thời gian sử dụng trong bài viết, tin giả được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải.

Cân nhắc kỹ trước khi like, chia sẻ, bình luận

Trước mỗi thông tin hay hình ảnh bất kì, chúng ta nên tỉnh táo, suy nghĩ một chút trước thông tin đó, xem những tin tức, hình ảnh đó mang lại giá trị gì với mình, có làm cho mình thêm hoang mang, lo lắng về bệnh dịch hay không. Nếu những tin tức đó mang đến suy nghĩ tiêu cực cho bạn, hãy mạnh dạn ẩn những hàng tin đó đi.

Tương tự như vậy, trước khi nhấn nút like, chia sẻ hay bình luận trên mạng xã hội, chúng ta nên cân nhắc xem những thông tin đó có hữu ích cho bạn bè, cho cộng đồng hay không. Chúng ta phải luôn giữ quan điểm chỉ là tham khảo khi sử dụng thông tin trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực. Chúng ta chỉ nên chia sẻ những thông tin tích cực, chính thống để bạn bè, người thân chúng ta được tiếp cận, được đọc, được xem những thông tin hữu ích, không nên chia sẻ những thông tin tiêu cực, thông tin mang ý nghĩa chỉ trích, phê phán khiến cho người xem cũng bị tác động xấu đến tâm lý.

Tổ chức, cá nhân, vi phạm sẽ bị xử lý theo nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành để ngăn ngừa, khống chế dịch bệnh, chúng ta hãy sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin trên các kênh chính thống, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật về dịch bệnh.

Quang Nở - ANCTNB

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn