công an Đồng Tháp

null Cảnh giác với chiêu bài “Pháp luân công”

Chi tiết bài viết Thông tin cần biết

Cảnh giác với chiêu bài “Pháp luân công”

Nhận diện bản chất Pháp luân công

Pháp luân công còn có tên gọi khác là Pháp luân đại pháp do Lý Hồng Chí (sinh năm 1952 tại Cát Lâm, Trung Quốc) lập ra năm 1992. Năm 1993, hội nhóm này được biết đến với tên gọi “Hội nghiên cứu Pháp luân đại pháp”.

Sau gần 30 năm, thực tế cho thấy Pháp luân công không phải tôn giáo, tín ngưỡng, cũng không có sự sáng tạo nào kể cả kết quả nghiên cứu khoa học hay lý thuyết tư tưởng hệ, mà chỉ dựa trên cơ sở vay mượn những thành tựu có từ trước đó để huyễn hoặc tâm tính con người. Cụ thể, Pháp luân công tự cho mình là một hệ phái Phật giáo, nhưng các bài tập theo Pháp luân công bản chất là sự tạp pha theo lịch sử khí công đã được nhà sư Phật giáo, võ sỹ Đạo giáo và học giả Nho giáo luyện tập từ xa xưa, xem như một hình thức cải thiện tinh thần, đạo đức và thể chất.

Tuy nhiên, với lối dẫn dắt rằng, luyện Pháp luân công sẽ sửa được tâm tính, chữa được bách bệnh, nên kể từ khi được Bộ Dân chính Trung Quốc cấp phép hoạt động dưới tên gọi: “Hội nghiên cứu Pháp luân đại pháp”, nó đã phát triển khá nhanh. Có thời điểm, chỉ tính trên lãnh thổ Trung Quốc, Pháp luân công đã có đến 39 trung tâm “mẹ”, 19.000 chi nhánh, 28.000 địa điểm tập luyện.

Ban đầu, Pháp luân công được cấp phép là thành viên của Hội nghiên cứu khoa học khí công Trung Quốc, nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó đã thoát ly khỏi tổ chức này. Sau khi bị dư luận lên án, bị chính quyền Trung Quốc coi là “tà giáo”, phản khoa học, người sáng lập Pháp luân công là Lý Hồng Chí đã bỏ trốn sang Mỹ.

Năm 1997, Bộ Dân chính Trung Quốc quyết định hủy đăng ký hoạt động của Pháp luân công, tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn, đồng thời gửi thông điệp, khuyến cáo tới các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Như vậy đủ thấy rõ, Pháp luân công đã lộ mặt là một tổ chức có nhiều hoạt động ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội. Theo thống kê của chính quyền Trung Quốc, đã có lúc tổ chức Pháp luân công tụ tập tới 10.000 người kéo về biểu tình đả kích chính quyền ở Bắc Kinh. Lúc này Lý Hồng Chí ở nước ngoài đã kích động phần tử Pháp luân công nội địa thực hiện hơn 300 vụ tụ tập đông người, bao vây và tấn công các cơ quan công quyền ở Trung Quốc.

Cùng với đó, các phần tử hưởng ứng Pháp luân công ở ngoài Trung Quốc cũng đã sử dụng thiết bị công nghệ cao tấn công vệ tinh thông tin, gây nhiễu một số chương trình truyền hình, phát thanh của Trung Quốc, thậm chí phát chèn sóng các nội dung liên quan đến Pháp luân công.

Đáng nói, những sự kiện liên quan đến Pháp luân công tại Trung Quốc đã trở thành công cụ cho các thế lực thù địch với quốc gia này lợi dụng, chính trị hóa trên diện rộng. Trong đó, những chiêu bài quen thuộc là bóp méo, xuyên tạc sự thật, cho rằng đây là cuộc đàn áp của những người theo tư tưởng cộng sản đối với tư tưởng đối lập. Từ đây, Pháp luân công dựa vào một số tổ chức quốc tế, trở thành phương tiện hoạt động, đem những thuyết lý tạp giáo vay mượn gắn với hoạt động chính trị như đấu tranh đòi nhân quyền, đòi tự do, công kích chính quyền… không riêng đối với Trung Quốc.

Như đã nói, từ tổ chức “Hội nghiên cứu Pháp luân đại pháp”, Pháp luân công không còn đơn thuần hướng đến mục tiêu “rèn luyện sức khỏe, tu dưỡng tâm tính” nữa, mà biến tướng thành tổ chức mang nhiều màu sắc phản động, tiềm ẩn nguy cơ làm mất ổn định an ninh trật tự, đảo lộn kỷ cương xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tính đến thời điểm này, hoạt động Pháp luân công đã có mặt ở 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, Pháp luân công đã du nhập theo một số Việt kiều, du khách nước ngoài, du học sinh, qua hệ thống truyền thông...

Để tuyên truyền về Pháp luân công, các đối tượng đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau từ công khai đến lén lút như: phát tán nơi công cộng hoặc trong khu dân cư; lập các trang Web và tài khoản mạng xã hội truyền bá qua Internet; gửi tài liệu qua đường bưu chính đến nhiều đối tượng khác nhau; tiếp cận lãnh đạo và thân nhân lãnh đạo cao cấp nhằm tranh thủ vận động; thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật như lập các đoàn nghệ thuật “Hồng Ân”, “Thiên Quốc”… biểu diễn miễn phí gắn với một số sự kiện; tổ chức các “Pháp hội” mừng sinh nhật Lý Hồng Chí; thành lập các câu lạc bộ rèn luyện sức khỏe để kích thích vào tâm lý hiếu kỳ của người dân; tiếp cận những vùng dân trí còn hạn chế để lôi kéo; tiêm nhiễm tư tưởng vào một số đối tượng là học sinh, sinh viên chưa có định hướng rõ ràng về nhận thức xã hội…

Thời gian gần đây, Pháp luân công ra sức tuyên truyền tà thuyết về sự trừng phạt mà mỗi người phải gánh chịu khi đến “ngày tận thế” để hù dọa, khống chế, kiểm soát tinh thần những người cả tin, nhẹ dạ. Một số đối tượng còn thần thánh hóa Lý Hồng Chí là người tạo ra thế giới muôn loài và cứu giúp chúng sinh.

Do tin tưởng vào những luận điệu thiếu căn cứ nêu trên, những người tin theo Pháp luân công khi có bệnh đã từ chối điều trị tại các cơ sở y tế vì cho rằng luyện theo Pháp luân công sẽ chữa được “bách bệnh”, dẫn đến hậu quả đau lòng. Nghiêm trọng hơn, từ sự mê muội mà một số người theo Pháp luân công đã tự biến mình thành tội phạm. Có thể nói, Pháp luân công vào Việt Nam đã ngày càng biến tướng sâu sắc, gây không ít hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Kết cục của niềm tin mù quáng

Tiếc rằng, một bộ phận công dân, trong đó có cả những người có vị thế xã hội, hoặc do nhẹ dạ cả tin, hoặc do gặp phải sự cố cuộc sống chưa tìm ra hướng giải quyết, hoặc do ngộ nhận tư tưởng, thậm chí vì bất đồng chính kiến mà lợi dụng Pháp luân công đề làm công cụ chống đối, phản động. Trong đó, tính chất lợi dụng nhằm lôi kéo quần chúng tham gia các hoạt động chống phá đã rất rõ ràng.

 Điển hình năm 2014, một nhóm đối tượng Pháp luân công đã âm mưu đập phá Lăng Hồ Chủ Tịch và kéo đổ tượng đài Lê-Nin ở Hà Nội. Khi các đối tượng này bị xử lý theo quy định của Pháp luật Việt Nam, Pháp luân công đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình phản đối trước các cơ quan Đại sứ quán và trụ sở Việt Nam ở nước ngoài.

Thêm nữa, trong quá trình vận động phát triển, tại Việt Nam phát sinh một số “điểm nóng” liên quan đến đất đai, môi trường, đối tượng xấu đã lợi dụng Pháp luân công để kích động phản đối chính quyền. Pháp luân công cũng gây ảnh hưởng khá phức tạp trong quan hệ đối ngoại của Nhà nước ta, khi một số tổ chức quốc tế gắn hoạt động này với những yêu cầu về tự do, dân chủ, nhân quyền.

Tuy nhiên, trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc của những đối tượng lợi dụng, đại đa số người dân cũng như các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam đã lên án mạnh mẽ, vạch trần bản chất của Pháp luân công. Khẳng định đây không phải là tôn giáo, tín ngưỡng, không có giáo lý hoàn chỉnh, mà chỉ mượn danh Phật pháp, chiếm đoạt thành quả lịch sử để chuyển hóa thành của riêng mình, khiến không ít người chưa hiểu rõ mà hưởng ứng đi theo.

Bản thân Lý Hồng Chí cũng ngộ nhận là “Phật chủ”, khi hình tượng hóa mình ngồi trên đài sen, đầu tỏa ánh hào quang, sửa ngày sinh trùng với ngày sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni. Nghị quyết Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2010 tại Thái Lan đã kêu gọi không khích lệ đi theo trường phái của Lý Hồng Chí vì đây là hoạt động mạo danh Phật giáo.

Các quan điểm phân tích về tính phản khoa học của Pháp luân công cũng cho rằng, Pháp luân công lợi dụng các bài tập khí công, khuếch đại về tác dụng đối với sức khỏe, kết hợp với hình thức tu tập sử dụng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh để dẫn dụ, lôi kéo người theo. Rằng luyện Pháp luân công chữa được mọi thứ bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo mà không cần dùng thuốc, đưa ra “luận thuyết” nếu luyện tập số đông sẽ tạo ra “cộng lực”.

Thực tế trên thế giới hiện vẫn chưa có bất kỳ một công bố khoa học nào công nhận tác dụng của phương pháp tu tập Pháp luân công như những gì họ quảng bá.

Tại Việt Nam, một số người có bệnh luyện Pháp luân công không những bệnh không khỏi mà còn dẫn đến tử vong, đã xảy ra ở các địa phương Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Nam… Pháp luân công còn cổ vũ “từ bỏ tình thân”, rằng chuyên tâm học theo để được “thăng cấp”, cuối cùng sẽ tu thành “Phật – Đạo – Thần”. Một số người vì mải mê tu luyện đã từ bỏ tín ngưỡng tổ tiên, làm rạn nứt các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Cá biệt có trường hợp tu tập bị ảo giác, hoang tưởng, dẫn đến phạm tội như vụ án Phạm Thị Thiên Hà cầm đầu một nhóm tu luyện Pháp luân công đã thực hiện hành vi man rợ, giết hai người rồi cho vào bồn nhựa đổ bê tông phi tang tại Bình Dương tháng 5-2019, là một ví dụ thương tâm.

Cần phải thấy rằng, kể từ ngày lập nước 2-9-1945, Nhà nước ta luôn đề cao quyền tự do, tín ngưỡng, được thể chế hóa trong Hiến pháp của mọi thời kỳ. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được yên tâm và an toàn hành đạo theo đúng nghĩa của một đạo giáo chân chính và điều này trở thành một nguyên tắc hiến định, một trong những quyền cơ bản của con người.

Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng điển hình như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo… đã hòa vào cuộc sống xã hội, kết tụ trong cộng đồng thành khối đại đoàn kết dân tộc. Với tinh thần “Hộ quốc, an dân”, “Tốt Đời, đẹp Đạo”, trải qua thời gian, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đã góp phần tích cực vào công cuộc dựng nước và giữ nước, tất cả không ngoài mục tiêu phấn đấu cho một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.

Nhưng ở hình thức nào, dù ở quốc gia nào, thì các hoạt động xã hội nói chung và tự do tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng cũng phải được xây dựng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Chính vì vậy, chúng ta kiên quyết không để những phần tử lợi dụng chính sách ưu việt ấy, để hoạt động bất hợp pháp, truyền bá tư tưởng huyễn hoặc, làm đảo lộn kỷ cương, luân thường, đạo lý, gây bất ổn xã hội, tổn hại đến môi trường tôn giáo, tín ngưỡng bình đẳng đã và đang được tạo lập, củng cố.

Tin tưởng rằng, mỗi người dân đều phát huy trí tuệ lành mạnh, nhận thức đúng đắn để thực hiện quyền tự do của mình trong khuôn khổ của Pháp luật, vì cuộc sống ổn định cho chính mình và cho cả cộng đồng.

         Theo Hoàng Minh – Chuyên đề Báo CAND

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn