công an Đồng Tháp

null Hậu quả, tác hại từ xung điện để đánh bắt thủy sản

Chi tiết bài viết Toàn dân bảo vệ ANTQ

Hậu quả, tác hại từ xung điện để đánh bắt thủy sản

Thủy sản là nguồn thực phẩm vô cùng quý giá và dồi dào đối với con người. Nhiều người coi nghề khai thác thủy sản như nghề chính mưu sinh, với các hình thức đánh bắt phổ biến như: giăng câu, thả lưới, đặt lọp, cào, đặt dớn, đặt đáy,… Sản lượng khai thác hàng năm từ vài trăm đến hàng nghìn tấn. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản ngày một mất dần về số lượng và thành phần loài. Nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường nước; người dân khai thác quá mức, chưa đi đôi với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đặc biệt là tình trạng người dân sử dụng xung điện để khai thác thủy sản tại các sông, hồ, kênh, rạch, đồng ruộng…ngày càng phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, mất cân bằng hệ sinh thái và dẫn đến nhiều hệ lụy.

          Việc sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản gây ra nhiều hậu quả, tác hại như: Làm chết hàng loạt các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng nước; những thủy sản bị nhiễm điện còn sống sót sẽ không phát triển được và mất luôn khả năng sinh sản, trứng và ấu trùng cũng bị hủy diệt hoàn toàn. Đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác theo kiểu “tận diệt” các nguồn lợi thủy sản, để lại nhiều hậu quả. Phải mất nhiều năm mới phục hồi môi trường thủy sinh. Ngoài ra, việc sử dụng xung điện khai thác thủy sản còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng, thậm chí dẫn đến chết người bởi chỉ cần một chút bất cẩn là xảy ra hậu quả khôn lường.

          Hành vi vi phạm phổ biến nhất hiện nay là sử dụng siệt điện và cào điện. Thực tế việc sử dụng xung điện để bắt cá ở vùng nông thôn diễn ra rất phổ biến. Đa số là nông dân tận dụng thời gian nhàn rỗi, hay lúc không có việc làm để kiếm thêm thu nhập, thực phẩm cho gia đình. Bên cạnh một số đối tượng sử dụng ghe cào, gắn đi-na-mô phát điện vào động cơ để khai thác dưới hình thức tận diệt để khai thác thủy sản nhằm mục đích kinh doanh. Đặc biệt có những đối tượng sử dụng xuồng máy trang bị công suất lớn để dễ dàng tẩu thoát khi bị phát hiện, thậm chí có những hành vi chống trả lại cơ quan chức năng. Đa số những người sử dụng xung điện để đánh bắt hải sản đều biết được đó là hành vi vi phạm pháp luật, là nguy hiểm đến tính mạng nhưng vì những nhu cầu mưu sinh nên họ bất chấp vi phạm.

          Mọi người dân, đừng vì những lợi ích trước mắt mà sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Điều 28, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP  ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng công cụ kích điện công cụ kích điện để khai thác thủy sản bị xử phạt từ 3 triệu đến 50 triệu đồng và bị tịch thu công cụ kích điện. Mặt khác, nếu người có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, làm chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 242 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm, tùy tính chất, mức độ vi phạm.

         Hậu quả, tác hại của việc sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản vô cùng lớn. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thì rất cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Do vậy, đề nghị người dân:

- Một là: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản. Tuyệt đối không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thuỷ sản.

- Hai là: Vận động mọi người không đánh bắt thuỷ sản bằng xung điện, chất nổ, chất độc và giao nộp dụng cụ đánh bắt thủy sản bằng xung điện, chất độc chất nổ, lưới mắt nhỏ…Mạnh dạn tố giác với cơ quan Công an hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản.

- Bốn là: Khai thác phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Do đó, cần tăng cường việc thả cá giống bổ sung vào các sông, hồ,...để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc khai thác thủy sản, tuyệt đối không sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản để bảo vệ các nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn