công an Đồng Tháp

null Kết quả xây dựng và nhân rộng mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Toàn dân bảo vệ ANTQ

Kết quả xây dựng và nhân rộng mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Trong những năm qua, công tác cai nghiện ma túy được các ngành, các cấp của tỉnh Đồng Tháp phối hợp thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh. Tuy nhiên, tại một số địa bàn trong tỉnh vẫn còn nhiều người sử dụng trái phép, nghiện ma túy, đặc biệt là người sử dụng và người nghiện ma túy tổng hợp có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp, tỉ lệ người tái nghiện còn ở mức cao; công tác quản lý người nghiện tại cộng đồng đôi khi chưa thực sự hiệu quả, gia đình người nghiện và các tổ chức chính trị - xã hội chưa tích cực tham gia quản lý, giáo dục đối tượng, vẫn còn tư tưởng “giao phó” cho lực lượng Công an; bản thân người nghiện lại thiếu quyết tâm nên dễ bị lôi kéo tái nghiện.

Xuất phát từ đặc điểm đó, Công an Tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND Tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong đó chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua được xây dựng, hoạt động theo hướng xã hội hóa, tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải đã đạt nhiều kết quả thiết thực, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tự giác tham gia, được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm ủng hộ.

Ngày 30/10/2018, Công an Tỉnh đã tham mưu UBND Tỉnh có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, cai nghiện ma túy, trong đó giao Công an Tỉnh phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tỉnh triển khai mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”; chọn 03 xã: Mỹ Tân (Tp. Cao Lãnh), Tân Khánh Đông (Tp. Sa Đéc) và xã An Bình A (Tp. Xã Hồng Ngự) (nay là phường An Bình A, Tp. Hồng Ngự) để triển khai xây dựng mô hình điểm. Tiếp đó, Công an Tỉnh đã chỉ đạo Công an 03 thành phố tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp triển khai thực hiện mô hình điểm trên địa bàn, phấn đấu đến cuối năm 2019 số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy giảm từ 10% đến 15% so với cùng kỳ năm 2018; không để phát sinh thêm người sử dụng và nghiện ma túy trên địa bàn; tổ chức cai nghiện mới tại cộng đồng bằng các hình thức phù hợp cho 20% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại địa phương và phấn đấu có 20% số người sau cai nghiện về địa phương được vay vốn, tư vấn hướng nghiệp, học nghề, hỗ trợ việc làm tái hòa nhập cộng đồng.

Công an Tp. Cao Lãnh tổ chức ​Hội nghị triển khai kế hoạch khảo sát người nghiện ma túy, đối tượng nghi vấn nghiện ma túy, các điểm, tụ điểm về ma túy trên địa bàn

Để triển khai thực hiện mô hình: Lực lượng Công an đã tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác số người nghiện ma túy trên địa bàn để tham mưu UBND cấp xã ban hành Kế hoạch thực hiện mô hình. Phân công thành viên Hội đồng bảo vệ ANTT hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng từ đó từng thành viên Hội đồng bảo vệ ANTT xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ từ 01 - 05 đối tượng nghiện ma túy. Thành lập Tổ công tác cai nghiên ma túy (do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa - xã hội làm Tổ trưởng, thành viên là các ngành, tổ chức chính trị - xã hội); Tổ công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy (do đồng chí Trưởng Công xã làm Tổ trưởng, thành viên là các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và Bí thư/Trưởng các khóm, ấp); Tổ thanh niên tình nguyện tuần tra giữ gìn ANTT trên địa bàn (do đồng chí Phó Trưởng Công an xã làm Tổ trưởng, thành viên là Công an viên phụ trách khóm, ấp, các thành viên khác là lực lượng thanh niên tình nguyện). Hàng tháng, các tổ công tác được cấp ủy, UBND xã quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động từ 2.000.000đ - 6.000.000đ/tổ.

Định kỳ hàng tháng, Công an xã chủ trì phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội được phân công tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ đối tượng để nắm bắt tâm tư, tình cảm hoặc thông qua sinh hoạt các Tổ, Câu lạc bộ của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ để tiếp xúc, tuyên truyền đối với người nghiện ma túy về hậu quả, tác hại của ma tuý và các chính sách có liên quan đến việc cai nghiện ma tuý; vận động Nhân dân tham gia tố giác tội phạm và phát giác người nghiện ma túy, đồng thời báo cáo kết quả tiếp xúc, giáo dục và chuyển biến của người nghiện ma túy để lưu vào hồ sơ mô hình, phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá và tham mưu Hội đồng bảo vệ ANTT xét thanh loại đối với từng trường hợp cụ thể. Hằng năm, Hội đồng bảo vệ ANTT đều ban hành Kế hoạch duy trì thực hiện mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”.

 Đoàn Thanh niên phường An Bình​ A, Tp.Hồng Ngự đến gia đình đối tượng nghiện ma túy tuyên truyền, tư vấn trợ giúp

Qua 01 năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình tại 03 xã (Mỹ Tân, Tân Khánh Đông, xã An Bình A (nay là phường An Bình A) đã thành lập được 10 tổ, với 102 cán bộ tham gia quản lý tổ; phối hợp tổ chức tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy tại 21 điểm thu hút 810 lượt người dự; quản lý, giáo dục 243 người sử dụng, người nghiện ma túy; phân loại quản lý, giáo dục, giúp đỡ chuyển biến 88 trường hợp.

Tính đến tháng 7/2021, mô hình đã được tổ chức nhân rộng tại 121/143 xã, phường, thị trấn (chiếm tỷ lệ 84,62%), thành lập được 308 tổ công tác với 2.167 thành viên tham gia, quản lý 1.411 người nghiện ma túy tại cộng đồng (giảm 208 đối tượng so với cuối năm 2020 (1.619 đối tượng), lý do 208 đối tượng qua giáo dục chuyển biến tốt, không tái phạm và thanh loại đưa ra khỏi diện quản lý); 12 xã, phường đang tiếp tục triển khai nhân rộng; 10 xã, phường không triển khai vì không có tệ nạn ma túy.

Từ khi thực hiện nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia tố giác tội phạm, tác hại của ma túy được 1.735 buổi với trên 63.923 lượt người tham dự (trong đó có 298 đối tượng nghiện ma túy). Qua đó, Nhân dân cung cấp thông tin giúp lực lượng chức năng bắt giữ 262 vụ, 354 đối tượng VPPL về ma túy, thu giữ 76,384 kg Methamphetamine, 16,2081 kg ketamine, 7,371 kg MDMA, 15,147 kg heroin, 11,332 kg Estasy, 69,937 gam cần sa khô, 77 xe máy, 279 ĐTDĐ, 32 bộ dụng cụ dùng để sử dụng ma túy tổng hợp, 01 súng bắn đạn bi, 936.850.000đ, 2.500 USD và một số tang vật có liên quan...

Đặc biệt, qua thực hiện mô hình (từ năm 2018 đến nay) trên địa bàn không phát sinh tụ điểm phức tạp về ma túy; phối hợp mời làm việc răn đe, giáo dục cá biệt 1.861 lượt người nghiện, người nghi nghiện; giúp đỡ có chuyển biến thành công 847 đối tượng; giới thiệu việc làm cho 109 đối tượng; xét cho 37 đối tượng sau cai nghiện được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng với số tiền 1,3 tỷ đồng giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Mô hình“Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy; vai trò của gia đình được phát huy tốt hơn, tích cực phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng quản lý, giáo dục con em là đối tượng nghiện; bản thân người nghiện ma túy cũng có sự cởi mở hơn, không còn tự ti, mặc cảm, né tránh lực lượng chức năng; các trường hợp được giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất đều chí thú làm ăn, qua kiểm tra chưa phát hiện trường hợp nào tái sử dụng trái phép chất ma túy; tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được kiểm soát và không để hình thành các tụ điểm phức tạp về ma túy. Nhiều tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành tặng Bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung, trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy nói riêng.

Từ những kết quả đạt được, Công an Tỉnh rút ra một số kinh nghiệm trong công tác xây dựng và nhân rộng mô hình như sau:

Một là, hoạt động của mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, sự hướng dẫn của lực lượng Công an và sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở, có như vậy mới huy động được sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia.

Hai là, cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa tác dụng của mô hình đối với công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở.

Ba là, lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt trong tham mưu, hướng dẫn xây dựng, nhân rộng mô hình, kết hợp với tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tạo niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia công tác bảo vệ ANTTở cơ sở.

Bốn là, công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình phải quan tâm chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của quần chúng Nhân dân trong tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTTở cơ sở; kịp thời biểu dương khen thưởng, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân.

Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn