công an Đồng Tháp

null Nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống của thanh thiếu niên

Chi tiết bài viết Toàn dân bảo vệ ANTQ

Nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống của thanh thiếu niên

Thanh thiếu niên là lớp người trẻ, đầy nhiệt huyết, sáng tạo, dám sống và cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh ngày càng có xu hướng phức tạp và khó kiểm soát, đặc biệt là tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật với phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi, táo bạo và liều lĩnh, tập trung nhiều vào các tội danh như: giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, ma túy, tội đánh bạc.

Ảnh minh họa

Theo thống kê của Công an tỉnh, năm 2020, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật (từ 12 đến 30 tuổi) trên địa bàn tỉnh là 13.150 vụ với 13.952 đối tượng (trong đó, tội phạm do thanh thiếu niên thực hiện là 568 vụ với 732 đối tượng; thanh thiếu niên vi phạm hành chính trên các lĩnh vực xảy ra 12.582 vụ với 13.220 đối tượng). Mặc dù, số vụ và số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đã giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tính chất, mức độ và hành vi được cơ quan chức năng đánh giá còn nhiều phức tạp.

Để đấu tranh và phòng ngừa thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, năm 2020, Công an tỉnh đã mở 11 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chuyên đề, đấu tranh hiệu quả với các đối tượng thanh thiếu niên hoạt động phạm tội lưu động, liên tuyến, liên huyện, liên tỉnh, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, xuất nhập cảnh trái phép, vi phạm trật tự an toàn giao thông, tụ tập đua xe trái phép, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây mất ANTT; phòng, chống ma túy; kiểm soát, triệt xóa các nhóm tội phạm, tệ nạn cờ bạc do thanh thiếu niên thực hiện, không để hoạt động có tổ chức có liên quan “tín dụng đen” núp bóng doanh nghiệp, trò chơi điện tử “bắn cá” và các hình thức biến tướng tái hoạt động tại địa phương; phá nhiều chuyên án, điều tra khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng do thanh thiếu niên thực hiện. Bên cạnh đó, lực lượng Công an còn duy trì nhiều mô hình hiệu quả trong giáo dục, rèn luyện thanh thiếu niên như: Mô hình “Tổ nhân dân tự quản”, “Câu lạc bộ người hoàn lương”; “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”...; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc; tổ chức cho các Trường THPT ký cam kết không để học sinh tụ tập, nẹt pô, lạng lách, 29 cơ sở sửa xe chuyên “độ xe”cam kết không tiếp tay cho đối tượng đua xe trái phép; mời, giáo dục, răn đe trên trên 1.200 lượt người nghiện, người nghi nghiện; tổ chức tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT vào ban đêm, qua đó giáo dục, răn đe trên 20.500 lượt thanh thiếu niên tụ tập đêm khuya có biểu hiện vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân dẫn đến thanh thiếu niên vi phạm pháp luật là do những tác động của mặt trái xã hội, lối sống ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, sống buông thả, ích kỷ, vụ lợi, thiếu chọn lọc thông tin trên mạng xã hội... Về phía gia đình, số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật thường có trình độ học vấn thấp do gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc cha mẹ ly hôn không quan tâm, chăm sóc con cái nên con phải bỏ học từ sớm; từ đó khiến cho thanh thiếu niên có lối sống tự do, buông thả, giao tiếp với các thanh thiếu niên hư hỏng khác. Một số khác, do gia đình sống không hạnh phúc, thường xuyên mâu thuẫn, cự cãi, đánh nhau, thậm chí cha mẹ vi phạm pháp luật... gây tác động đến tâm lý của thanh thiếu niên, dễ kích động, bạo lực, bắt chước thói hư tật xấu của các bậc phụ huynh. Số còn lại vì gia đình có điều kiện nên nuông chiều con thái quá dẫn đến nhiều thanh thiếu niên chỉ biết sống hưởng thụ, đua đòi, dễ bị bạn xấu lôi kéo vào con đường nghiện ngập. Về trách nhiệm của nhà trường: một số trường hiện nay chỉ quan tâm đến kiến thức chuyên môn, tay nghề mà chưa chuyên sâu vào việc giáo dục, đạo đức, lối sống cho học sinh, học viên, nhất là các kiến thức về xã hội, pháp luật, dẫn đến các em thiếu kỹ năng sống, xử lý tình huống khi bị các đối tượng phạm tội lôi kéo, dụ dỗ vào con đường phạm pháp.

Công tác đấu tranh phòng chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật không chỉ là trách nhiệm của toàn xã hội mà còn là trách nhiệm của từng gia đình và trường học. Đó là nơi để thanh thiếu niên được gắn kết, chia sẻ, bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình, nơi mà cha mẹ kịp thời phát hiện những biểu hiện sai lệch của con trẻ để kịp thời uốn nắn, giáo dục. Do đó, mỗi gia đình phải sống yêu thương, hạnh phúc, cha mẹ gương mẫu để con cái noi theo, sống có ích cho xã hội. Đối với nhà trường, cần thường xuyên giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng đọc, chia sẻ thông tin, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để các em rèn luyện được nhân cách, kỹ năng sống, nhất là chủ động kết nối với gia đình, xã hội để hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn đến giới trẻ, tạo điều kiện tốt nhất để các em được học tập, sinh hoạt, vui chơi lành mạnh; ý thức về truyền thống dân tộc, lịch sử văn hóa để kế thừa và phát huy các chuẩn mực về đạo đức, lối sống và sống phải có mục tiêu, lý tưởng rõ ràng, tôn trọng pháp luật, nhà nước.

Vấn đề phát triển đạo đức, nhân cách cho thanh thiếu niên và công tác phòng chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Do đó, ngoài việc vào cuộc quyết liệt các cơ quan chức năng thì rất cần sự chung tay của gia đình, nhà tường và xã hội nhằm định hướng cho thanh thiếu niên có lý tưởng sống đẹp, cung cấp kỹ năng sống cần thiết để các em nhận thức, điều chỉnh hành vi của mình, hướng tới xây dựng thế hệ thanh niên giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh, lối sống đẹp… nhằm góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.

Thanh Thảo

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn