công an Đồng Tháp

null Những điều cần biết khi CSGT dừng xe kiểm tra

Chi tiết bài viết Chuyên mục Giao thông

Những điều cần biết khi CSGT dừng xe kiểm tra

Ngày 01/8/2023, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2023). Để hiểu rõ hơn về những điểm mới trong Thông tư này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Thượng tá Lê Hoàng Trung, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh.

- Phóng viên (PV): Thưa Thượng tá, Bộ Công an vừa ban hành các Thông tư quy định về TTKS, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, đường thủy. Đáng chú ý, Thông tư 32 quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình TTKS, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT. Như vậy, kể từ ngày 15/9, trong việc tuần tra, kiểm soát về giao thông đường bộ thì Cảnh sát giao thông có các quyền nào?

- Thượng tá Lê Hoàng Trung – Phó Trưởng phòng CSGT: Quyền hạn của lực lượng CSGT có quy định như sau: Thứ nhất được dừng phương tiện giao thông theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, được kiểm soát người và phương tiện, kiểm tra giấy tờ; thứ 2 Luật áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, về TTATXH và các biện pháp khác; thứ 3 được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ phối hợp giải quyết tai nạn, ùn tắc giao thông, khi có tình huống xảy ra trong trường hợp cấp bách để đảm bảo ANQG và TTATXH; thứ 4 lực lượng CSGT được trang bị phương tiện giao thông, các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và được trang bị các phương tiện thông tin liên lạc và các thiết bị kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật; thứ 5 được tạm thời đình chỉ trên một số tuyến đường nhất định khi có tình huống tai nạn hoặc ùn tắc giao thông xảy ra và các trường hợp khác theo quy định; thứ 6 là thực hiện các quyền mà pháp luật quy định.

- PV: Thượng tá có thể thông tin cụ thể hơn các trường hợp CSGT được dừng phương tiện?

- Thượng tá Lê Hoàng Trung: Theo quy định này, lực lượng CSGT được dừng phương tiện trong các trường hợp sau: Thứ nhất, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện hành vi vi phạm về TTATGT và các hành vi vi phạm pháp luật khác; thứ 2 có văn bản yêu cầu của cơ quan điều tra và văn bản yêu cầu của các cơ quan liên quan về việc dừng phương tiện để kiểm soát nhằm ngăn chặn các hành vi VPPL rồi đảm bảo ANTT, PCTP cũng như tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, sự cố giao thông rồi là phòng, chống thiên tai.v.v..; thứ 3 có tin báo tố giáo của tổ chức, cá nhân về các hành vi VPPL về giao thông đường bộ cũng như các hành vi VPPL khác; thứ 4 đó là thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch TTKS, kế hoạch tuần tra xử lý vi phạm theo chuyên đề của  cấp có thẩm quyền ban hành.

- PV: Khi dừng xe thì CSGT được kiểm tra những loại giấy tờ nào?

- Thượng tá Lê Hoàng Trung: Thì theo quy định của pháp luật, khi dừng xe, lực lượng CSGT được kiểm tra các giấy tờ của người điều khiển phương tiện của phương tiện tham gia giao thông, các giấy tờ khác có liên quan. Cụ thể là kiểm tra GPLX,  giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường và một số giấy tờ khác có liên quan.

- PV: Thưa Thượng tá, có rất nhiều người dân thắc mắc là nếu không mang theo giấy tờ xe thì các loại giấy xe được tích hợp trên VNeID có được xem là hợp lệ? Thượng tá có thể chia sẻ thêm về vấn đề này.

- Thượng tá Lê Hoàng Trung: Đây cũng là điểm mới trong Thông tư này, trong quá trình kiểm soát nếu người điều khiển phương tiệnxuất trình giấy tờ trong định danh điện tử thì CSGT có trách nhiệm thu thập, xác minh thông tin giấy tờ đó và sắp tới đây khi các cơ sở dữ liệu đã tích hợp đầy đủ thì việc kiểm tra giấy tờ của người điều khiển phương tiện cũng như là của phương tiện trên định danh điện tử thì cũng được xem là có giá trị tương đương như là đối với kiểm tra trực tiếp giấy tờ. Trong đó cũng cần chú ý, đối với những hành vi vi phạm tạm giữ giấy tờ, bị tước quyền sử dụng giấy phép và bị tịch thu, thu hồi thì người vi phạm phải xuất trình giấy tờ đó.

 - PV: Trong trường hợp người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch công tác, chuyên đề TTKS CSGT thì CSGT sẽ giải quyết như thế nào?

- Thượng tá Lê Hoàng Trung: Trước tiên, Tổ tuần tra giao thông cũng phải giải thích cho người tham gia giao thông hiểu, kế hoạch TTKS  xử lý vi phạm về giao thông đường bộ là kế hoạch công tác nghiệp vụ của ngành CAND, được quản lý theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ Công an. Vì vậy, kế hoạch này không công khai và người tham giao thông, người bị kiểm tra không có quyền yêu cầu lực lượng CSGT phải xuất trình kiểm tra kế hoạch này.

- PV: Thưa Thượng tá, Thông tư 32 quy định về điều lệnh của CSGT khi tiếp xúc với lái xe trong quá trình kiểm soát như thế nào?

- Thượng tá Lê Hoàng Trung: Thông tư cũng quy định cụ thể, khi tiếp xúc với người điều khiển phương tiện thì lực lượng CSGT phải thực hiện động tác chào theo điều lệnh CAND, trừ trường hợp khi biết người đó có dấu hiệu phạm tội hoặc là tội phạm đang bị truy nã. Đối với người vi phạm thì lực lượng CSGT cũng phải thể hiện văn hóa ứng xử, có thái độ, lễ tiết, tác phong đúng mực đối với người vi phạm.

- PV: Cảm ơn những chia sẻ vừa rồi của Thượng tá!

                                                                                                                      Thanh Thảo

 

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn