
Người đi bộ gây TNGT: Trách nhiệm thuộc về ai?
Dù đã có quy định dành riêng cho người đi bộ khi tham gia giao thông, thế nhưng vẫn còn rất nhiều người “vô tư” sang đường không đúng quy định, không chú ý quan sát, đi dưới lòng đường, không đi qua đúng vạch đường dành riêng cho người đi bộ… Những hành động này gây nguy cơ mất an toàn cho chính người đi bộ và các phương tiện lưu thông trên đường.
Người đi bộ vi phạm quy tắc tham gia giao thông
Đi bộ qua đường là nhu cầu của mỗi người, thế nhưng đi như thế nào cho đúng quy tắc tham gia giao thông thì không phải ai cũng biết. Phần lớn người đi bộ qua đường đều nghĩ mình được quyền ưu tiên nên muốn đi sao cũng được. Khi xảy ra tai nạn giao thông giữa người đi bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhiều người vẫn thắc mắc: trách nhiệm thuộc ai?
Trưa ngày 03/9/2023, ông Nguyễn Hữu Sang, sinh năm 1975, ngụ phường 11, TP. Cao Lãnh đã đi bộ bất chấp sang đường dù phương tiện đang lưu thông đông đúc trên đường Nguyễn Trãi, thuộc khóm Mỹ Thuận, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh. Chiếc xe ô tô khách đã không dừng lại kịp chỉ vì 01 phút qua đường vội vã của ông. Hậu quả là ông Sang tử vong trên đường đi cấp cứu. Việc đi sai luật và quy tắc tham gia giao thông quá rõ như thế này thì trách nhiệm không ai khác là thuộc về người đi bộ.
Dù đi bộ qua đường hàng ngày nhưng gia đình ông Nguyễn Thành Lập, sinh năm 1974, ngụ ấp 3, xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình lại không nghĩ rằng ông lại tử vong vì tai nạn giao thông ngay trước cửa nhà. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh có người thân tử vong vì tai nạn giao thông xúc động chia sẻ: “Nói chung đi qua đường cũng chú ý dữ lắm đi qua đường nhìn xe dữ lắm luôn, thấy ảnh cũng đứng cũng nhìn xe qua lại ảnh mới đi mà không biết cách sao. Chắc ảnh nghĩ xe còn xa rồi ảnh đi chắc tính qua khỏi mà xe quá lẹ ảnh đi không khỏi. Thấy cảnh quá kinh hoàng, sợ lắm, giờ đi qua đường tui hổng dám đi nữa, hết xe tui mới dám qua không đó”.
Đi bộ qua đường không chỉ đòi hỏi người đi phải biết luật và quy tắc tham gia giao thông mà còn phải xử lý tình huống khéo léo, kịp thời. Tại các nơi tập trung đông người như khu vực chợ, bệnh viện, khu dân cư, người đi bộ cần đi trên vạch kẻ đường và chú ý quan sát.
Tại một số tuyến đường trên địa bàn TP. Cao Lãnh, không khó để bắt gặp người đi bộ vô tư băng ngang sang đường một cách trái luật và quy tắc tham gia giao thông đường bộ. Dù có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, nhưng một số người vẫn phớt lờ và hối hả sang đường. Ông Nguyễn Đình Ngọc là người dân ngụ phường 1, TP. Cao Lãnh cho biết: “Trên những mức vẽ trên đường đi cho người đi bộ nhưng người dân không có ý thức cho nên từ những vấn đề đó sẽ xảy ra tai nạn giao thông ngoài ý muốn và rất là đáng tiếc. Những làn đường dành riêng cho người đi bộ cố gắng thực hiện đúng theo Luật giao thông. Đường của người đi bộ thì mình đi bộ nếu khả năng đi lệch con đường bên giao thông đã chỉ ra mà đi lệch lạc con đường đó sẽ gây ra nhiều phiền phức và đặc biệt nhất là mỗi lần tai nạn xảy ra thì ATGT sẽ bị ùn tắc”.
Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an tỉnh, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, làm chết 24 người, bị thương 12 người. Trong đó, có 06 vụ nguyên nhân xuất phát từ người đi bộ không chấp hành nguyên tắc giao thông dẫn đến tai nạn giao thông. Thượng tá Lê Hoàng Trung, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an Đồng Tháp khẳng định: “Tại Điều 32, Luật Giao thông đường bộ quy định người đi bộ phải đi trên lề đường, hè phố. Trường hợp không có lề đường, hè phố thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Thứ hai người đi bộ chỉ qua đường tại những nơi có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường hoặc là cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, không có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải chú ý quan sát các xe đang đi tới và chỉ qua đường khi đảm bảo an toàn và phải chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn khi qua đường. Thứ ba người đi bộ không vượt qua dãy phân cách, không được đu bám vào cơ giới đang chạy. Khi mang vác vật cồng kềnh phải đảm bảo an toàn không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông. Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi qua đường”.
Người phụ nữ không đi trên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ
Luật đã quy định rõ nhưng nhan nhản ở các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, không ít người đi bộ vẫn “vô tư” đi sai luật và quy tắc tham gia giao thông. Vỉa hè thông thoáng vẫn không mảy may quan tâm mà đi thoải mái xuống lòng đường. Đây rõ ràng là hành vi cực kỳ nguy hiểm, cho chính mình và cho những người tham gia giao thông. Theo Điều 9, Nghị định số 100 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Thậm chí, còn bị xử lý hình sự nếu gây ra tai nạn giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Thực tế hiện nay việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người đi bộ không tuân thủ các quy tắc giao thông còn hạn chế nên chưa tạo sức răn đe. Do vậy, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý mạnh tay người đi bộ vi phạm để phòng ngừa tai nạn giao thông do người đi bộ gây ra.
Thanh Thảo
Xem thêm các tin khác