
Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bước tiến trong hoàn thiện hệ thống về bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam
Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bước tiến trong hoàn thiện hệ thống về bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam
Dưới tác động của chuyển đổi số, dữ liệu cá nhân trở thành yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm cân bằng giữa bảo vệ dữ liệu cá nhân và thúc đẩy đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết hiện nay, không chỉ giúp tăng cường bảo vệ quyền riêng tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế số toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam chưa có một đạo luật chuyên biệt về bảo vệ DLCN, mà các quy định liên quan chủ yếu được lồng ghép trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Một bước ngoặt trong hành lang pháp lý Việt Nam về bảo vệ DLCN là Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của chủ dữ liệu cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xử lý dữ liệu. Nghị định 13/2023/NĐ-CP đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân trong môi trường số.
Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, song khung pháp lý hiện hành về bảo vệ DLCN vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, có thể kể đến như: Thứ nhất, thiếu các quy định chi tiết về quyền kiểm soát DLCN; Hai là, chế tài xử phạt trong Nghị định 13/2023/NĐ-CP chưa đủ tính răn đe hành vi vi phạm; Ba là, thiếu cơ quan giám sát và thực thi; Bốn là, vướng mắc trong cơ chế xử lý dữ liệu xuyên biên giới.
Quá trình thực thi Nghị định này gặp nhiều thách thức do doanh nghiệp còn lúng túng trong việc tuân thủ quy định, đồng thời xuất hiện những khoảng trống pháp lý liên quan đến quyền kiểm soát dữ liệu, cơ chế chuyển dữ liệu xuyên biên giới, trách nhiệm của các bên liên quan. Trước thực trạng này, nhu cầu hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ DLCN trở nên cấp thiết, không chỉ để bảo vệ quyền riêng tư của công dân mà còn đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế số.
Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đã chỉ rõ tầm quan trọng của khung pháp lý về bảo vệ DLCN. Chính vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến vấn đề này vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là yếu tố then chốt giúp Việt Nam xây dựng một nền kinh tế số an toàn, minh bạch và đáng tin cậy. Một hệ thống pháp luật toàn diện không chỉ giúp bảo vệ quyền riêng tư của công dân, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong xu hướng toàn cầu hóa, quốc tế hóa hiện nay
Công an Tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nghiên cứu, tham gia góp ý dự thảo Luật góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Bên cạnh đó còn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền rộng rãi sự cần thiết ban hành các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV năm 2025; trong đó có dự án Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Vĩnh Bình
Xem thêm các tin khác