
Hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng bị xử lý như thế nào?
Hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng bị xử lý như thế nào?
Hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự. Những hành vi này không chỉ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người mà còn làm phát sinh tội phạm khác, làm gia tăng cảm giác bất an, lo lắng trong nhân dân, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của xã hội.
Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024 quy định, vũ khí quân dụng bao gồm:
- Súng cầm tay, súng vác vai, vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng, đạn sử dụng cho các loại vũ khí này; các loại bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi và vũ khí khác thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành, trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này. Các loại linh kiện cơ bản của các loại súng này bao gồm: thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa. Các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng, khả năng gây sát thương tương tự, không thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
- Súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi, đạn sử dụng cho các loại súng này thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Các loại linh kiện cơ bản của súng bao gồm: thân súng, bộ phận cò. Các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng, khả năng gây sát thương tương tự, không thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
- Vũ khí (gồm kiếm, giáo, mác, thương, dao găm, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành) trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
- Súng săn, vũ khí (gồm kiếm, giáo, mác, thương, dao găm, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành), vũ khí (gồm súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay, đạn sử dụng cho các loại súng này thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành được trang bị, sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao) và dao có tính sát thương cao (dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành) sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật.
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cá nhân sở hữu, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng. Điều 304 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
+ Chế tạo: Tự sản xuất, lắp ráp, hoán cải vũ khí quân dụng một cách trái phép;
+ Tàng trữ: Cất giữ vũ khí quân dụng trái phép;
+ Vận chuyển: Mang, di chuyển vũ khí quân dụng từ nơi này đến nơi khác trái phép;
+ Sử dụng: Dùng vũ khí quân dụng để đe dọa, gây thương tích hoặc sát thương cho người khác, dù là trong bất kỳ tình huống nào;
+ Mua bán: Trao đổi, giao dịch vũ khí quân dụng trái phép, kể cả trên không gian mạng hoặc qua biên giới;
+ Chiếm đoạt: Cướp, trộm, lừa đảo hoặc chiếm hữu trái phép vũ khí quân dụng của cơ quan nhà nước hoặc cá nhân khác.
Người có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng có thể bị phạt tù đến chung thân tùy vào hành vi, mức độ vi phạm. Ngoài ra, hình phạt bổ sung đối với người vi phạm bao gồm bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, cấm cư trú hoặc quản chế đến 5 năm, tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện liên quan.
Vũ khí quân dụng bị cơ quan chức năng thu giữ (hình minh họa)
Từ đầu năm 2024 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp đã thụ lý điều tra 15 vụ án/22 bị can về tội phạm liên quan đến vũ khí quân dụng, điển hình như:
(1) Vụ án “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại Điều 304, Bộ luật Hình sự đối với 07 bị cáo gồm: Trương Minh Phú (sinh năm 1993), Đoàn Văn Hiếu (sinh năm 1978) cùng cư trú tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp); Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1996), Bùi Hoàng Hên (sinh năm 1993), Nguyễn Tuấn Cảnh (sinh năm 1996) cùng cư trú tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Đỗ Hữu Phước (sinh năm 1991), cư trú tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Lê Tuấn Anh (sinh năm 1980), cư trú tại quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.
Bị can Trương Minh Phú , Lê Tuấn Anh và Nguyễn Tuấn Cảnh (từ trái sang)
Theo kết quả điều tra, vào tháng 4/2023, thông qua mạng xã hội, Trương Minh Phú đặt mua của Lê Tuấn Anh (chủ cửa hàng bán đồ chơi nguy hiểm và linh kiện độ chế súng) 09 đơn hàng gồm súng ZP5 và nhiều linh kiện súng ZP5 bằng kim loại để phục vụ cho việc chế tạo súng, sau đó Phú tiến hành lắp ráp, thay thế các linh kiện, chế tạo thành công 06 khẩu súng ngắn hoàn chỉnh và đã bán các khẩu súng này cho Nguyễn Thành Trung, Đoàn Văn Hiếu, Đỗ Hữu Phước, Nguyễn Tuấn Cảnh, Bùi Hoàng Hên với giá dao động từ 3.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài bán cho Trương Minh Phú, Lê Tuấn Anh còn bán nhiều súng ZP5, Sky, linh kiện súng ZP5, Sky bằng kim loại cho 04 đối tượng khác ở Đồng Nai để các đối tượng này sử dụng chế tạo thành 07 khẩu súng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng bán lại cho nhiều đối tượng ở địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Ngày 07/3/2025, Toà án nhân dân huyện Tháp Mười đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt Trương Minh Phú 06 năm 06 tháng tù giam, phạt bổ sung 20 triệu đồng; Lê Tuấn Anh 05 năm tù giam, phạt bổ sung 20 triệu đồng; Nguyễn Thành Trung 02 năm tù giam; Đoàn Văn Hiếu, Đỗ Hữu Phước, Nguyễn Tuấn Cảnh cùng 01 năm 06 tháng tù giam; Bùi Hoàng Hên 01 năm tù giam.
(2) Vụ án Trần Phước Thành (sinh năm 1987, ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) về tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo quy định tại Điều 304, Bộ luật Hình sự.
Trước đó, vào lúc 15 giờ 30, ngày 06/03/2024 Công an phường 11, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp kiểm tra hành chính tại 01 nhà trọ trên địa bàn phát hiện, thu giữ 01 khẩu súng, 10 viên đạn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan An ninh điều tra đã xác định khẩu súng, đạn nêu trên có liên quan đến Trần Phước Thành nên tổ chức truy bắt đối tượng. Đến tối ngày 22/5/2024, Cơ quan An ninh điều tra phối hợp cùng Công an địa phương bắt giữ Thành khi đối tượng đang lẫn trốn tại xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Theo kết quả điều tra xác định, ngày 06/02/2024 Trần Phước Thành đặt mua trên mạng xã hội 01 khẩu súng ngắn (loại ổ xoay, bằng kim loại màu đen) và 12 viên đạn với giá 5.000.000 đồng. Sau khi nhận súng, đạn xong Thành đem ra nơi vắng người tại Khu công nghiệp Trần Quốc Toản, phường 11, thành phố Cao Lãnh bắn thử, sau đó Thành đem về cất giữ tại phòng trọ, thì bị phát hiện, thu giữ. Ngày 17/12/2024, Tòa án nhân dân thành phố Cao Lãnh đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt Trần Phước Thành mức án 03 năm tù giam.
Qua các vụ án trên, có thể thấy rằng, mọi hành vi liên quan đến vũ khí quân dụng đều bị xử lý nghiêm khắc, bất kể động cơ và mục đích sử dụng. Để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi người dân tuyệt đối không tham gia vào các hoạt động chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng; không mua bán trái phép vũ khí quân dụng hoặc tiếp tay cho các đối tượng buôn bán trái phép. Nâng cao nhận thức pháp luật và hiểu rõ hậu quả nghiêm trọng của các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí quân dụng. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí quân dụng, hãy mạnh dạn thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn và xử lý. Sự hợp tác của mỗi người dân là yếu tố quan trọng trong việc duy trì an ninh trật tự và xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh./.
PHÒNG AN NINH ĐIỀU TRA
Xem thêm các tin khác