công an Đồng Tháp

null Nhiều vấn đề nóng về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được giải trình

Chi tiết bài viết Phổ biến pháp luật

Nhiều vấn đề nóng về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được giải trình

Trong buổi tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV và các thông tin liên quan đến đấu giá biển số xe được tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều câu hỏi nóng về 04 dự án luật (bao gồm: Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp) được đặt ra, thu hút sự quan tâm của các đại biểu và các cơ quan báo chí. Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã giải đáp cặn kẽ những vấn đề nóng được đặt ra về 04 dự án luật.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an

Đối với dự án Luật Căn cước, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ Căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc. 

Về tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước, dự thảo luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu Căn cước vào thẻ Căn cước; thẻ Căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước; qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

Về nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ Căn cước, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ Căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ Căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin Căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ Căn cước. Đối với những thẻ Căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bản chất là điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, đang hoạt động ở địa bàn cơ sở để kiện toàn thống nhất thành một lực lượng chung bao gồm Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, bảo vệ dân phố và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Việc kiện toàn lực lượng này không làm tăng chi ngân sách nhà nước và “phình” bộ máy. Dự án luật cũng đã quy định rõ vị trí, chức năng của lực lượng này hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cơ sở. Thiếu tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết tách Luật Đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trong đó dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tập trung điều chỉnh yếu tố động liên quan đến an toàn giao thông đường bộ.

Đồng thời cũng nêu rõ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý của đề xuất xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xây dựng.

Xoay quanh các câu hỏi của cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến chính sách cấp giấy căn cước cho người gốc Việt Nam của dự án Luật Căn cước, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nêu rõ, điều này thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc cấp giấy Căn cước cho người gốc Việt Nam xuất phát từ quyền của người dân, mong muốn của chính họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước. Khi được cấp Căn cước, người gốc Việt Nam sẽ có một cuộc sống an ninh, an toàn, được tham gia vào các chính sách của nhà nước, thực hiện các giao dịch của xã hội. Giấy Căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam có chất liệu và kích thước giống như thẻ Căn cước cấp cho công dân Việt Nam, tuy nhiên có sự khác nhau về màu sắc và thông tin trên thẻ.

Theo dự thảo Luật Căn cước, nếu Căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ; khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Thẻ Căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ Căn cước được quy định tại luật này. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Việc xây dựng và ban hành các dự án luật nói trên là phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện nay. Việc sửa đổi, xây dựng các dự án luật là để góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của lực lượng Công an.

                                                                                                               Thanh Thảo

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn