công an Đồng Tháp

null Ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản trái phép

Chi tiết bài viết An ninh trật tự

Ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản trái phép

Hiện nay tình trạng khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn thường xảy ra trên các kênh rạch, tuyến sông Tiền và sông Hậu diễn ra khá phổ biến. Hình thức chủ yếu là dùng điện để đánh bắt, không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy sản mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của những người xung quanh. Thời gian qua, để phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản trái phép này, Công an toàn tỉnh đã tuần tra, phát hiện bắt giữ, xử lý nhiều vụ.

 

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Công an toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 41 đối tượng có hành vi sử dụng xung điện đánh bắt cá trái phép, chủ yếu người dân sử dụng xung điện và lưới mắc cở nhỏ đánh bắt. Trung tá Nguyễn Phước Trung- Đội trưởng đội 7 phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết:

 “Hiện nay trên sông có 02 cách phổ biến của người dân trong khai thác thủy sản trái phép, đó là dùng bộ kích điện tự chế kết nối với bình acquy để phát điện khai thác thủy sản bằng tay, cách thứ hai là sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên ghe cào để cào điện. Các đối tượng chuyên nghiệp thường sử dụng dòng điện có công suất lớn để khai thác. Từ đầu năm đến nay, Cảnh sát giao thông phát hiện 17 trường hợp, phối hợp với các lực lượng phát hiện 08 trường hợp, đã bàn giao Công an địa phương xử lý theo quy định.”

Chẳng hạn như sử dụng cái xiệc gắn vô bình ắc quy nối vào sợi dây điện cùng cái vợt đưa trực tiếp xuống sông bắt cá. Dòng điện phát ra trực tiếp có công suất từ 220 tới 240 ampe, khoảng 01 mét là chết người. Còn nếu sử dụng điamo trực tiếp gắn vô cái máy phát điện trên ghe câu dây xuống vợt phát điện bắt cá, khoảng 05 tấc cá sẽ bị giật, nếu người ở gần cũng bị điện giật chết. Đó là người dân, còn các đối tượng chuyên sống bằng nghề khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép thì sử dụng các phương tiện ghe cào, vỏ lãi gắn máy đẩy công suất lớn và có lắp đặt hệ thống xung điện, kích điện để xiệt điện, đánh bắt thủy sản, các đối tượng còn sử dụng ngư cụ cấm, hóa chất cấm, công cụ có tính chất hủy diệt …để đánh bắt thủy sản.

Nhưng dù cách khai thác trái phép thủy sản trái phép bằng điện nào đi nữa,  thì cũng gây hậu quả tận diệt các loài thủy sinh, suy kiệt nguồn lợi thủy sản, gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Ông Nguyễn Phát An, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò - trước đây từng sử dụng điện để đánh thủy sản trái phép nay đã chuyển sang khai thác thủy sản bằng máy thông tin :

 “Cá lớn còn chết mà cá bé sao mà còn. Trước cũng có làm giờ nghỉ rồi, làm thấy tội quá, tận diệt, thấy mần rồi cũng không có dư, mần rồi tới mùa cũng hỏi tiền đi mua dầu chai trét ghe. Ngày thu nhập vô 5,3 trăm cũng có, ngày nào điamô hư, vợt rách không có đồng nào, giờ không khai thác điện nữa, cào máy, cào xiêm, cũng  như cào ngoài biển vậy đó, hai bên hai tấm ván kéo cào ra là  cá chạy vô kéo lên, cái này không dùng điện gì đâu, máy kéo.”

Trường hợp bỏ nghề khai thác thủy sản trái phép bằng điện của ông Nguyễn Phát An là rất hiếm hoi, bởi thu nhập từ việc khai thác thủy sản trái phép cao, lại bắt được nhiều cá, nên không ít người dân, đặc biệt là những đối tượng chuyên nghiệp không cư trú trên địa bàn, luôn tìm mọi cách đối phó với lực lượng chức năng như: lợi dụng thời tiết mưa giông, trời tối hoặc những lúc không có lực lượng tuần tra kiểm soát để đánh bắt thủy sản trái phép, nếu bị phát hiện ném bỏ tang vật, bỏ trốn. Một cái khó nữa, là do tỉnh Đồng Tháp có nhiều sông, kênh, rạch chằng chịt, đặc biệt vào mùa nước lũ, nước ngập tràn đồng mang theo nhiều loài thủy sản, do đó đối thượng khai thác thủy sản ngay trên đồng nên việc phát hiện bắt giữ gặp không ít khó khăn.

Căn cứ Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP, khi dùng kích điện để khai thác thủy sản thì bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng cho đến 5.000.000 đồng cho hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác nhưng không sử dụng tàu cá. Từ 10.000.000 đồng cho đến 15.000.000 đồng: tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác… Hay từ 40.000.000 đồng cho đến 50.000.000 đồng: sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức xử phạt bổ sung là tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với tất cả hành vi vi phạm như trên. Mặc dù bị bắt, bị xử phạt, nhưng nhiều người dân, đối tượng không chuyên vẫn tái phạm.

Khó khăn là vậy, ngoài việc phối hợp tuần tra với các phòng nghiệp vụ để kịp thời phát hiện hoạt động khai thác thủy sản trái phép, kiên quyết không để tình hình khai thác thủy sản trái phép gây bức xúc trong nhân dân.  Để phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả với hoạt động khai thác thủy sản trái phép bằng điện này trong thời gian tới, Trung tá Nguyễn Phước Trung- Đội trưởng đội 7 phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: “Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc khai thác thủy sản trái phép đối với môi trường, qua đó vận động người dân tự nguyện giao nộp công cụ kích điện, tham gia tố giác hành vi khai thác thủy sản trái phép. Rà soát lên danh sách các đối tượng hoạt động chuyên nghiệp để phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng trao đổi thông tin, nắm tình hình hoạt động khi khai thác thủy sản trái phép để kịp thời phát hiện bắt giữ, xử lý.”

Ngoài công tác xử lý của lực lượng chức năng, rất mong người dân tham gia tố giác hành vi này, vận động người thân không khai thác thủy sản trái phép theo kiểu tận diệt bằng điện để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cân bằng sinh thái cho môi trường. Bởi khi hệ sinh thái môi trường bị mất cân bằng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của chúng ta ./.     

                                                                                                                                                               NGỌC HÂN

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn