
Sử dụng xe điện – những lưu ý để đảm bảo an toàn
Xanh hóa phương tiện giao thông và giao thông xanh, không phát thải đang trở thành xu thế tất yếu để giảm tải gánh nặng cho môi trường và sức khỏe toàn cầu. Bên cạnh đó, trước thực trạng giá nhiên liệu tăng cao, nhiều người dân chuyển sang dùng xe máy, xe đạp điện. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ cao...
* Thực trạng:
Có thể nói, với ưu điểm nhỏ gọn, giá cả phải chăng lại không tốn xăng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng tiện lợi, nhất là với học sinh nên xe đạp điện hiện đã trở thành một trong những phương tiện đi lại phổ biến của người dân.
Học sinh sử dụng xe đạp điện trên đường phố (ảnh minh hoạ)
Song, đáng lo ngại khi hiện nay, bên cạnh các dòng xe đạp điện, xe máy điện có thương hiệu, có đầy đủ giấy tờ kiểm định, chứng nhận an toàn thì do thiếu hiểu biết về loại phương tiện này, cộng với tâm lý ham rẻ nên không ít người đã mua phải những chiếc xe đạp điện không đảm bảo chất lượng, được lắp ráp, gia công từ các phụ tùng trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Giá thành rẻ nhưng lại không được các cơ sở cung cấp đảm bảo về chất lượng, nhất là chất lượng bình ắc quy nên tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ và không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới nhiều vụ cháy nổ xe đạp, xe máy điện thời gian qua.
Bên cạnh đó, phần lớn người sử dụng đều không có thói quen kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện định kỳ. Chỉ khi xe xảy ra sự cố mới đưa xe đi kiểm tra khiến cho nguy cơ cháy nổ phương tiện ngày càng cao hơn.
Chưa kể đến, sau khi mua xe đạp điện, xe máy điện, nhiều người còn “độ” thêm một số thiết bị dùng chung nguồn điện từ bình ắc quy, chủ yếu là đèn led, còi xe, kích tốc độ... Tất cả thiết bị “độ” này đều được đấu nối thêm đường dây khác bên ngoài chứ không có trong thiết kế ban đầu. Vì vậy rất dễ dẫn tới quá tải, chập điện khi đang lưu thông trên đường hoặc đang sạc pin gây cháy, nổ.
Sự cố cháy nổ xe đạp điện thường xảy ra vào thời điểm sau khi trời mưa hoặc nắng nóng. Khi đó cắm sạc điện ắc quy, hoặc hoạt động vận hành sẽ dẫn đến nguồn điện trong xe bị chập khiến cho mạch của bộ sạc bị quá tải, hệ thống bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại gặp sự cố gây ra cháy nổ.
Những mối hàn, đầu nối của những linh kiện không được cách điện tốt, nó có thể gây ra hiện tượng phóng điện làm cho hệ thống đó bị chập và dẫn đến cháy. Xe kém chất lượng thường có bình ắc quy không tốt, cấu tạo từ chì, thuộc nhóm chất thải nguy hại. Mỗi khi hỏng hóc, lượng chì và acid trong bình dễ chảy tràn ra ngoài, gây chập cháy rất nguy hiểm.
* Khuyến cáo
Trước những nguy cơ về mất an toàn PCCC, để đảm bảo an toàn, người dân khi mua xe đạp điện cần đến địa chỉ có uy tín, chọn xe có chế độ bảo hành cùng đầy đủ tem kiểm định chất lượng, khi sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn, bảo dưỡng định kỳ. Khi xe có các dấu hiệu bất thường như sạc điện không vào, xe có mùi khét hay gặp những trục trặc khác phải mang xe đi kiểm tra ngay.
Cần sạc đúng quy cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn hơn khi sử dụng. Khi bình có dấu hiệu phù, nứt,… cần thay thế ắc quy/pin mới. Để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc cho do cháy nổ thì cần phải bảo quản ắc quy/pin đúng cách. Không nên để xe ở những nơi có nhiệt độ cao dễ gây nổ và ảnh hưởng đến chất lượng của xe. Tránh để xe ở những nơi có ẩm ướt, độ ẩm cao khiến xe dễ bị chập điện, gây hại đến ắc quy/pin".
Bên cạnh đó, đối với những người sở hữu, sử dụng xe đạp điện cũng cần trang bị một kiến thức nhất định để bảo quản cho chiếc xe của mình đúng cách. Có như thế, chiếc xe của bạn mới có tuổi thọ cao và không gặp nguy hiểm khi vận hành, sử dụng chúng. Khi sử dụng xe người dân cũng nên thường xuyên đưa xe đi bảo dưỡng để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Khi có dấu hiệu hư hỏng hoặc bốc mùi khét, không nên sử dụng mà nên đem đến nơi sửa chữa uy tín để được kiểm tra.
ANKT
Xem thêm các tin khác