
Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo qua mạng cuối năm
Cũng như các loại tội phạm khác, tội phạm lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp vào cuối năm. Đây cũng là cơ hội để những kẻ lừa đảo qua mạng tung ra những "chiêu lừa" hết sức tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản hoặc thông tin cá nhân của những người nhẹ dạ, cả tin. Nhận định được tình hình này, Công an toàn tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, dấu tranh, kịp thời phát hiện, bắt giữ đối tượng.
Mới đây vào ngày 16/11/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp Công an huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp bắt quả tang 02 đối tượng Phạm Hải Đức, sinh năm 1990, ngụ phường 1, Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh và Tăng Hạ Quốc Huy (Việt kiều Canada), sinh năm 1988, tạm trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh khi Đức và Huy đang nhận số tiền 350 triệu đồng tại nhà chị T với chiêu trò lừa đảo.
Hai đối tượng Đức, Huy
Theo lời chị T. kể, do có người thân ở nước ngoài, hiện gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế, có 02 con nhỏ. Dự định sang nước ngoài đoàn tụ với người thân và tìm việc làm nuôi con. Nạn nhân T. kể lại:
“Em lướt trên facebook gặp trang cá nhân của vợ thằng Đức là con Tiên tìm người đưa đi Canada làm. Đức hẹn em lên Sài Gòn gặp, đi nước ngoài làm là gần 01 tỷ 7. Cách đây khoảng 01 tháng, Huy nói có visa rồi, nó nói thôi bà khó khăn quá, bây giờ bà nộp 350 triệu thôi, chừng nào có thẻ xanh bà nộp nữa. Em thấy nó nói không đúng, hồi nói thành phố này hồi nói thành phố khác, thấy không ổn, lên phòng Xuất cảnh tra ra, giả. Qua vụ việc này mình có đi làm ở nước ngoài, mình lại công ty uy tín, có tổ chức.”
Ngoài thủ đoạn lừa đảo trên, Thượng tá Nguyễn Trường Giang- Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an Đồng Tháp cho biết một số thủ đoạn lừa đảo qua mạng hiện nay:
“Đối với việc lừa đảo đi lao động ở nước ngoài, hiện nay các đối tượng lợi dụng không gian mạng Zalo, Facebook, Telegam… thiết lập các trang quảng cáo, tìm việc liên quan đến tội phạm mua bán người. Các đối tượng người Việt nam trong nước câu kết với các đối tượng người Việt nam ở nước ngoài tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài làm việc nhẹ lương cao ở các nước như Lào, Campuchia, Myanmar. Tại các nước này, nạn nhân bị cưỡng bức lao động, ép buộc thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng, làm việc trong các Casino tại các Công ty do người nước ngoài làm chủ, nếu không đạt được chỉ tiêu thì bị đánh đạp tra tấn, muốn về nước phải nộp một tài khoản tiền để chuộc” .
Không chỉ các thủ đoạn trên, gần đây vẫn còn xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo cũ, nhưng có sự đầu tư, nghiên cứu với chiêu trò thao túng tâm lý tinh vi nên người dân vẫn còn bị lừa, như: Lừa đảo cuộc gọi dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen hoặc Công an, lừa đảo giả mạo biên lai chuyển tiền thành công, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cọc mua hàng, mạo danh cơ quan thuế, Công an hoặc dùng thủ đoạn dẫn dụ nạn nhân cài đặt phần mềm ứng dụng độc hại để chiếm quyền điều khiển điện thoại.
Hay chiêu trò tuyển cộng tác viên online với nhiệm vụ rất đơn giản và lợi nhuận cao, lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với mức siêu lợi nhuận. Hay lừa đảo lấy lại tiền bị treo, tiền bị lừa đảo, lừa đảo thông qua hình thức tuyển dụng nhân viên ngân hàng, rồi dẫn dụ nạn nhân nạp tiền làm nhiệm vụ, lừa đảo shipper giao hàng, sau đó yêu cầu nạn nhân truy cập vào một đường link, thực hiện theo hướng dẫn nhằm chiếm đoạt tiền, làm quen trên mạng xã hội, lấy thông tin hình ảnh nạn nhân cắt ghép với các nội dung nhạy cảm để tống tiền…
Tất cả các chiêu trò lừa đảo qua mạng nhằm mục đích là chiếm đoạt tiền, tài khoản, mật khẩu, mã OTP hoặc dẫn dụ nạn nhân nhập vào các đường link có chứa mã độc…rồi chiếm quyền điều khiển, lấy thông tin, dữ liệu từ điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Mặc dù cơ quan Công an đã tuyên truyền, phổ biến các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, nhưng vẫn còn một số người dân hám lợi nên sập bẫy lừa.
Theo dự báo thời gian tới, tội phạm lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp, các đối tựng tiếp tục sử dụng các phương thức, thủ đoạn có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ. Nhiều tổ chức tội phạm lừa đảo chuyên nghiệp, hoạt động xuyên quốc gia. Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân diễn ra phổ biến, được các đối tượng lừa đảo thu thập dùng vào mục đích lừa đảo. Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm lừa đảo qua mạng từ nay đến cuối năm. Thượng tá Nguyễn Trường Giang- Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an Đồng Tháp khuyến cáo người dân:
“Người dân cần cảnh giác, trước khi chuyển tiền, “chậm lại một chút” để tỉnh táo suy nghĩ, nhất là trước những yêu cầu, hối thúc của đối tượng. Không cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP, không nhập các mã này khi có những yêu cầu lạ. Không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc, do người lạ yêu cầu. Bình tĩnh, kiểm tra, đối chiếu lại thông tin. Khi gặp những tình huống giống với các thủ đoạn lừa đảo, chia sẻ với bạn bè, người thân để có những lời khuyên. Liên hệ ngay với Cơ quan Công an để được hướng dẫn”.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua mạng thường đánh lòng tham, tâm lý lo sợ của người dân để đe dọa. Nếu gặp các tình huống trên hãy bình tỉnh để tránh sập vào bẩy lừa của các đối tượng dịp cuối năm./.
NGỌC HÂN
Xem thêm các tin khác