
Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn huyện Tân Hồng
Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn huyện Tân Hồng
Huyện Tân Hồng nằm ở phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp, có vị trí chiến lược quan trọng, giáp với biên giới Campuchia, là cửa ngõ quan trọng trong việc giao thương và kết nối với các khu vực khác trong và ngoài tỉnh. Là một trong những địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, đặc biệt là tội phạm cố ý gây thương tích. Trong những năm gần đây, tình trạng này có xu hướng gia tăng, gây ra nhiều lo lắng trong quần chúng nhân dân. Những vụ việc cố ý gây thương tích thường xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, tranh chấp đất đai, xung đột trong sinh hoạt gia đình và xã hội.
Theo thống kê của các Cơ quan chức năng, tội phạm cố ý gây thương tích chủ yếu diễn ra ở các khu vực nông thôn, nơi người dân còn hạn chế về mặt pháp luật và kiến thức về xử lý tranh chấp theo đúng quy định. Nhiều vụ việc phát sinh từ các mâu thuẫn nhỏ nhưng do không được giải quyết kịp thời, dẫn đến xung đột nghiêm trọng.
Các đặc điểm chính của tội phạm cố ý gây thương tích tại huyện Tân Hồng bao gồm: Đối tượng gây án thường có sự quen biết hoặc mâu thuẫn cá nhân với nạn nhân; Các hành vi bạo lực thường sử dụng vũ khí nguy hiểm như dao, gậy, hoặc các vật dụng dễ gây sát thương; Đa phần các vụ việc xảy ra vào ban đêm và ở các khu vực ít có sự giám sát của cơ quan chức năng.
Nguyên nhân dẫn đến gia tăng tội phạm cố ý gây thương tích
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng tội phạm cố ý gây thương tích tại huyện Tân Hồng, bao gồm:
Mâu thuẫn cá nhân và gia đình: Nhiều vụ việc phát sinh từ các xung đột trong gia đình hoặc giữa các cá nhân, mà không được giải quyết kịp thời. Khi những mâu thuẫn này kéo dài, dễ dẫn đến hành vi bạo lực.
Thiếu hiểu biết về pháp luật: Nhiều người dân ở vùng nông thôn thiếu hiểu biết về pháp luật, không biết cách giải quyết mâu thuẫn thông qua các kênh chính thống, dẫn đến việc tự xử lý bằng bạo lực.
Tình trạng thất nghiệp và nghiện ngập: Một số đối tượng gây án là những người không có công việc ổn định hoặc nghiện ma túy, rượu bia, dẫn đến hành vi mất kiểm soát và dễ dàng gây thương tích cho người khác.
Sự lỏng lẻo trong quản lý: một số khu vực, công tác giám sát và quản lý an ninh trật tự còn lỏng lẻo, dẫn đến các vụ việc không được ngăn chặn kịp thời.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn huyện, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong dân cư, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, về các quy định pháp luật liên quan đến hành vi cố ý gây thương tích; Tổ chức các buổi hội thảo, sinh hoạt cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân về cách xử lý mâu thuẫn một cách ôn hòa, tránh sử dụng bạo lực.
- Tăng cường tuần tra, giám sát và xử lý vi phạm
Các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, giám sát tại các khu vực trọng điểm, đặc biệt là vào ban đêm và những nơi có nguy cơ xảy ra xung đột cao. Xử lý nghiêm minh và công khai các vụ việc tội phạm cố ý gây thương tích để răn đe và giáo dục cộng đồng.
- Xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự. Khuyến khích sự tham gia của quần chúng nhân dân trong việc xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự, như các tổ nhân dân tự quản trong cộng đồng. Huy động sức mạnh của các tổ chức đoàn thể, như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, trong việc giám sát và hỗ trợ phòng chống tội phạm.
- Đẩy mạnh công tác hòa giải tại cơ sở. Tăng cường hoạt động của các tổ hòa giải tại cơ sở để kịp thời giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng, gia đình. Điều này giúp ngăn chặn các mâu thuẫn nhỏ phát triển thành những vụ án nghiêm trọng.
- Nâng cao năng lực của lực lượng chức năng. Đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho các lực lượng chức năng tại huyện Tân Hồng để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc cố ý gây thương tích. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong việc phòng, chống tội phạm.
Tội phạm cố ý gây thương tích tại huyện Tân Hồng, đang là một vấn đề cần được quan tâm giải quyết một cách toàn diện và đồng bộ. Việc nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường sự giám sát của cơ quan chức năng, cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải và phòng ngừa từ sớm là những giải pháp quan trọng để ngăn chặn tình trạng này. Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp trên sẽ góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tạo môi trường sống an toàn và lành mạnh cho người dân.
* QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
- Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3, điểm a khoản 5, điểm a khoản 13, điểm đ khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định người có hành vi vô ý/cố ý gây thương tích cho người khác hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định cụ thể như sau:
“Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
[…]
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
[…]
b) Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
[…]
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
[…]
13. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ và g khoản 2; điểm đ khoản 3; các điểm b, e và i khoản 4; các điểm a, b và c khoản 5; các khoản 6 và 10 Điều này;
[…]
14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
[…]
đ) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1, điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm a khoản 5 Điều này.”
Như vậy, người có hành vi cô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định trên sẽ bị phạt tiền thấp nhất từ 2.000.000 đồng đến cao nhất 8.000.000 đồng tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm. Đồng thời, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là buộc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định.
- Xử lý hình sự
Trường hợp người có hành cố ý gây thương tích cho người khác hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 cụ thể như sau:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
Như vậy, người nào có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến đến 20 năm hoặc tù chung thân theo quy định.
Ngoài ra, người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trường Tươi
Xem thêm các tin khác