
Kết quả thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2024
Đề án 06 của Chính phủ là một trong những điểm sáng của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh ta trong 02 năm qua, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, từ đó đạt được những kết quả quan trọng.
* Giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, cung cấp dịch vụ công hiệu quả
Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tỉnh đã được đồng bộ, thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đều bố trí Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả; tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Tỉnh, qua đó đã thực hiện hơn 154.000 lượt truy xuất thông tin cư trú khi người dân đến nộp hồ sơ tại các Bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh.
UBND Tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Công an tỉnh trong việc chuyển đổi, làm sạch tài khoản công dân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Tỉnh và các hệ thống có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính sang sử dụng tài khoản VNeID trước ngày 01/7/2024. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập vào Cổng dịch vụ công theo quy định. Toàn tỉnh hiện có 1.037 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến toàn trình và một phần được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo quy định. Đặc biệt là 53 dịch vụ công thiết yếu trên địa bàn tỉnh phục vụ người dân, doanh nghiệp đúng tiến độ và yêu cầu tại Đề án 06 và Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính bình quân của cả tỉnh đạt tỷ lệ trên 55%. Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử bình quân của cả tỉnh đạt hơn 65%. Số lượng hồ sơ thanh toán trực tuyến là trên 100.000 hồ sơ... Qua đó, góp phần cắt giảm chi phí, tạo mọi điều kiện thuận lợi, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, mang lại những tiện ích tối đa trong quá trình thực hiện Đề án 06 vào đời sống xã hội.
* Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội
Kết quả ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử sẽ là cơ sở, nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở nước ta.
Trên lĩnh vực Y tế, toàn tỉnh đã có 178/178 cơ sở khám chữa bệnh dùng thẻ CCCD gắn chip để khám chữa bệnh thay thế Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế với hơn 2 triệu lượt tra cứu thành công. Lực lượng chức năng đã vận động, tuyên truyền, hướng dẫn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng VNeID để kịp thời cung cấp tin báo, tố giác tội phạm đến cơ quan Công an, qua đó đã tiếp nhận được 107 tin trên VNeID; đồng thời triển khai, tuyên truyền ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay phục vụ cho vay an sinh xã hội.
Trên lĩnh vực giáo dục: Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong năm học 2023-2024. Đối với chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội, đến thời điểm hiện tại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, cập nhật thông tin cá nhân hơn 60.000 đối tượng, qua đó thực hiện chi trả thành công qua tài khoản là trên 41.000 đối tượng với tổng số tiền gần 22 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực chi trả lương hưu và trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt, Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động triển khai thực hiện các giải pháp vận động, tuyên truyền cho cán bộ hưu trí và người lao động. Hàng tháng số người được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt đạt 75%; chế độ Bảo hiểm xã hội một lần đạt trên 96%; chi trợ cấp thất nghiệp đạt tỷ lệ 99,6%. Với những tiện ích mang lại, Đề án 06 đã góp phần đắc lực trong phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
* Phát triển công dân số
Việc xác định dữ liệu dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống" là một nội dung quan trọng để đảm bảo Cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, chia sẻ. Công an toàn tỉnh đã khẩn trương thực hiện cấp CCCD, định danh điện tử đối với số học sinh để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT, THCS năm 2024; cập nhật thông tin lịch sử thường trú cho học sinh lớp 12 để xét các đối tượng ưu tiên. Đặc biệt, Công an thành phố Cao Lãnh đã ra quân cao điểm “45 ngày, đêm” cấp CCCD, đăng ký kích hoạt tài khoản định danh điện tử với mục tiêu là đảm bảo 100% các em học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp được cấp Căn cước công dân; 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn được cấp Căn cước công dân, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận được gần 1.810.000 hồ sơ cấp CCCD, đã được Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an trả về trên 1.773.000 thẻ. Đối với tài khoản định danh điện tử đã thu nhận được trên 1.387.000 hồ sơ định danh điện tử, được Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phê duyệt 1.112.118 tài khoản, đã kích hoạt trên 936.000 tài khoản. Toàn tỉnh còn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc đăng ký và ký số trên thiết bị di động. Tính đến nay, đã cấp, kích hoạt hơn 12.000 chữ ký số trên địa bàn toàn tỉnh.
Hướng dẫn tạo lập chữ ký số ở xã An Bình, huyện Cao Lãnh
* Các mô hình điểm của Đề án 06
Để thực hiện có hiệu quả Đề án 06, UBND Tỉnh chỉ đạo triển khai, thực hiện 40 mô hình điểm, trong đó Công an tỉnh chủ trì 13 mô hình như: mô hình “Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, nhà khách, nhà công vụ” thí điểm tại huyện Tháp Mười, “Đảm bảo điều kiện công dân số” thí điểm ở xã An Bình, huyện Cao Lãnh, “Giải pháp xử phạt và trật tự, an toàn xã hội” thí điểm tại huyện Châu Thành... Các mô hình này đã phát huy tối đa hiệu quả trong công tác quản lý người, quản lý đối tượng, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm ở địa phương và phát triển công dân số ở địa phương. Đến thời điểm hiện tại, các sở, ban, ngành tỉnh đã và đang thực hiện 33/40 mô hình.
Để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đến năm 2025, phía trước còn rất nhiều việc phải làm và cũng không ít khó khăn, thử thách đặt ra. Trước mắt, 40 mô hình điểm của Đề án 06 được xem là giải pháp trọng tâm để thực hiện chuyển đổi số. Do đó, việc triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển ứng dụng VNelD và ứng dụng công dân số của tỉnh cần phải trên nguyên tắc thống nhất, đồng bộ, kế thừa và phát huy thế mạnh của mỗi ứng dụng, không chồng chéo, liên thông dữ liệu hướng đến tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, các Sở, ban, ngành, địa phương phải có sự phối hợp, nhịp nhàng, đồng bộ; các cấp Lãnh đạo cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở để thực hiện có hiệu quả các mô hình điểm của Đề án 06 trong thời gian tới.
Thanh Thảo
Xem thêm các tin khác