
Sử dụng giấy phép lái xe giả - những hệ lụy khó lường
*Thực trạng
Thời gian gần đây, tình trạng mua bán giấy phép lái xe (GPLX) giả có chiều hướng gia tăng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an toàn giao thông.
Lợi dụng tâm lý muốn có bằng lái nhanh chóng, không cần thi của một số người có nhu cầu, các đối tượng đã lập các tài khoản mạng xã hội ảo, quảng cáo rầm rộ về “dịch vụ làm bằng lái xe uy tín”, “bằng thật 100%, quét được mã QR”, kèm theo hình ảnh giả mạo các loại giấy tờ, dấu đỏ…
Người mua chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân và chuyển khoản từ vài triệu đồng là sẽ được gửi GPLX giả qua đường bưu điện. Một số đối tượng còn cam kết “bảo hành trọn đời”, “hoàn tiền nếu không dùng được”, càng khiến nhiều người sập bẫy.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, qua công tác kiểm tra, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng giấy phép lái xe giả.
Người sử dụng GPLX giả không được đào tạo bài bản, không trải qua các kỳ thi sát hạch theo quy định, dẫn đến việc gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn do thiếu kiến thức về Luật Giao thông đường bộ và kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Điều này không chỉ đe dọa tính mạng, tài sản của bản thân người vi phạm mà còn gây nguy hiểm cho cộng đồng tham gia giao thông.
Mời gọi làm giấy phép lái xe giả trên mạng (ảnh minh họa)
* Hậu quả pháp lý:
- Xử phạt hành chính:Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người sử dụng bằng lái xe giả có thể bị phạt tiền. Mức phạt cụ thể sẽ tùy thuộc vào loại phương tiện và các tình tiết liên quan.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự: Nếu việc sử dụng bằng lái xe giả nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện hành vi phạm tội khác, người sử dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh liên quan đến làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
- Mất tiền oan: Người mua bằng lái xe giả thường bị mất tiền oan và không có bằng lái xe hợp pháp, vẫn bị coi là không có bằng lái khi tham gia giao thông.
Nguy cơ tai nạn giao thông:
- Thiếu kiến thức, kỹ năng lái xe: Người sử dụng bằng lái xe giả thường không có đầy đủ kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông cao.
- Không nắm vững luật giao thông: Việc không có bằng lái xe hợp pháp thường đi kèm với việc không nắm vững luật giao thông, làm tăng nguy cơ vi phạm luật và gây tai nạn.
- Hậu quả nghiêm trọng khi tai nạn: Khi xảy ra tai nạn, người sử dụng bằng lái xe giả sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giải quyết hậu quả, bao gồm cả trách nhiệm dân sự và hình sự.
* Lời khuyên:
Không nên mua, bán hoặc sử dụng bằng lái xe giả dưới bất kỳ hình thức nào.
Nếu muốn có bằng lái xe, hãy tham gia các khóa đào tạo lái xe hợp pháp và thi sát hạch theo quy định.
Đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác khi tham gia giao thông bằng cách tuân thủ luật giao thông và có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ.
Việc mua, bán, sử dụng GPLX giả trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến ATGT, trật tự, an toàn xã hội. Người dân nên đến trung tâm đào tạo thi sát hạch để được cấp Giấy phép lái xe, đồng thời nâng cao cảnh giác, tuân thủ đúng quy định pháp luật và không tiếp tay cho các hành vi gian lận, lừa đảo trên mạng xã hội.
Thành Trí - ANKT
Xem thêm các tin khác