
Nghề môi giới bất động sản – những vấn đề pháp lý cần biết
Môi giới bất động sản (BĐS) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cung – cầu trên thị trường BĐS, giúp kết nối giữa chủ đầu tư, nhà phát triển BĐS (bên cung) và khách hàng/nhà đầu tư (bên cầu) trong giao dịch mua, bán, thuê cho thuê BĐS. Hàng năm, lực lượng này giúp thị trường BĐS kết nối thành công hàng trăm ngàn sản phẩm với giá trị giao dịch ước đạt hàng triệu tỷ đồng.
Không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ giao dịch, lực lượng này còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, phản ánh thông tin giữa hai chiều cung- cầu, nhằm nâng cao chất lượng, sự đa dạng và tính phù hợp của các sản phẩm BĐS. Từ đó, thúc đẩy thị trường phát triển một cách bền vững.
Giao dịch bất động sản trên sàn (ảnh minh họa)
* Quy định của Pháp luật:
- Hiện Chính phủ đã ban hành những quy định chặt chẽ trong hoạt động môi giới BĐS, làm tăng tính kỷ luật và chuyên nghiệp của nghề. Luật Kinh doanh BĐS 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với quy định. Điều này góp phần giúp hành lang pháp lý liên quan đến thị trường BĐS trở lên hoàn thiện hơn. Trong đó, có các quy định tương đối chặt chẽ đối với hoạt động môi giới BĐS.
Theo đó, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện: có chứng chỉ hành nghề và phải hành nghề trong một doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ BĐS. Điều này đồng nghĩa với việc, muốn hành nghề môi giới BĐS, các cá nhân phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và được kiểm chứng bởi chứng chỉ hành nghề thông qua các kỳ thi sát hạch. Như vậy, giống như những ngành nghề khác như bác sỹ, giáo viên, luật sư… môi giới BĐS cũng đòi hỏi trình độ và năng lực đủ để có thể hành nghề một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp.
Ngoài ra, để đảm bảo việc kiểm soát hoạt động của các các nhân làm nghề, luật mới cũng quy định, không cho phép cá nhân hành nghề tự do, mà phải gắn với một DN nhất định. Quy định này giúp việc theo dõi, quan lý, kiểm tra và giám sát hoạt động của cá nhân môi giới BĐS được chặt chẽ và sát sao hơn.
Với DN kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, luật cũng quy định rất chặt chẽ, yêu cầu phải có quy chế hoạt động, cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, có ít nhất 1 cá nhân có chứng chỉ hành nghề. Trước khi hoạt động kinh doanh môi giới BĐS, phải gửi thông tin về DN đến cơ quan quản lý về kinh doanh BĐS cấp tỉnh nơi thành lập DN để đăng tải thông tin trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Không chỉ vậy, luật cũng quy định rất rõ về những biện pháp xử phạt đối với nhân, DN hoạt động môi giới không đạt chuẩn, cung cấp thông tin sai lệnh, thiếu chính xác, gây ảnh hưởng tới khách hàng/nhà đầu tư…
Như vậỵ, có thể nói càng ngày nghề môi giới BĐS càng được quan tâm, chú trọng. Vai trò, mức độ ảnh hưởng của nghề cũng được nhìn nhận, đánh giá đúng hơn. Vì vậy, những quy định cũng dần chặt chẽ hơn và được luật hóa để đảm bảo tính công khai, minh bạch của hoạt động môi giới. Từ đó, góp phần phát triển thị trường một cách ổn định, bền vững.
ANKT
Xem thêm các tin khác