
Phát huy dân chủ trong góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, một chiến dịch lấy ý kiến nhân dân quy mô lớn từ 6/5/2025 và hoàn thành vào ngày 5/6/2025 đã được triển khai rộng khắp cả nước. Các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến Nhân dân.
Thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Tháp đã khẩn trương lấy ý kiến của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên ứng dụng VNeID. Thiếu tá Trà Thanh Hữu, Phó Đội trưởng, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Phương pháp lấy ý kiến nhân dân qua ứng dụng VNeID, đây là phương thức nhằm ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian lấy ý kiến về tổng hợp ý kiến tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn có điều kiện để tham gia góp ý. Đơn vị cũng có tham mưu cho Ban Giám đốc tham mưu UBND Tỉnh chỉ đạo quán triệt quán triệt đến 100% cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở các sở, ngành, các địa phương, các cấp vận động, tuyên truyền cán bộ, công chức gương mẫu đi đầu trong việc tham gia góp ý trên ứng dụng VNeID”.
Đông đảo người dân tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID
Với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, Công an cấp xã đã mở đợt cao điểm vận động tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia góp ý dự thảo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong đó, huy động cán bộ Công an, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, phối hợp cùng các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức lấy ý kiến của người dân ngay trên ứng dụng VNeID có tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Theo bà Lê Thị Yến là người dân ngụ xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp nhận xét về việc góp ý như sau: “Trên ứng dụng VNeID thì rất là dễ, thao tác nhanh gọn và các người dân đều được góp ý kiến trực tiếp và nhận biết được chính kiến của mỗi người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng tiết kiệm được thời gian. Tôi thấy rất là phù hợp”.
Còn ông Lý Ngọc Thanh, cư trú xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho hay: “Lấy ý kiến người dân trên ứng dụng VNeID về sửa đổi Hiến pháp thì nói chung người dân rất đồng tình, ủng hộ. Dân thấy đây là thể hiện tính dân chủ, minh bạch”.
Gần 01 tháng qua, ở các khóm, ấp, người dân đều rôm rả bàn luận các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013. Người dân cũng rất hào hứng khi việc lấy ý kiến không phân biệt trình độ học vấn, giới tính, nghề nghiệp, chỉ cần có điện thoại thông minh và tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì việc góp ý sẽ được thực hiện dễ dàng. Nếu không hiểu, không rõ một số điều được sửa đổi, bổ sung thì người dân có quyền hỏi và trách nhiệm của các Tổ công tác là giải thích và hướng dẫn cặn kẽ các thao tác góp ý trên ứng dụng VNeID. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Nhị, là người dân ngụ xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Tôi thấy rất là dễ dàng và thuận tiện cho người dân được trực tiếp tham gia để mà phát biểu ý kiến của mình. Tôi thấy mình được trực tiếp đóng góp vào dự thảo Hiến pháp thì cũng là góp phần cho người dân hiểu thêm được về Hiến pháp và những cái thay đổi để phù hợp với tình hình của địa phương và cũng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân”.
Công an xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình hướng dẫn người dân góp ý
Tại khu vực làng bè Bình Thạnh thuộc xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, nơi đây có 163 hộ nuôi thủy sản các loại nằm cặp sông Tiền và sông Cái Nhỏ. Dù điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn nhưng để tạo mọi điều kiện cho bà con vùng nuôi được tham gia góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Công an xã Bình Thạnh đã đến các hộ nuôi thủy sản để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia góp ý và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân về những kỳ vọng của chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị lần này. Ông Lê Văn Vinh, là người dân ngụ xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh bày tỏ: “Tôi thấy việc làm như vậy thể hiện sự tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Thông qua hệ thống VNeID thì nó hết sức thuận tiện. Bởi nhà nước ta hiện nay đang xây dựng xã hội số, công nghệ số, cho nên nhà nước giảm được chi phí, tiết kiệm được thời gian cho dân”.
Công an xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh hướng dẫn người dân góp ý tại khu vực làng bè
Việc lấy ý kiến người dân lần này trên ứng dụng VNeID sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình thực hiện, qua đó mọi ý kiến đóng góp của người dân vào việc sửa đổi Hiến pháp dù nhỏ nhất cũng được tổng hợp, đánh giá để hướng tới việc xây dựng pháp luật ngày càng hiệu quả, chất lượng, mang lại lợi ích hợp pháp cho người dân. Theo kết quả phân tích của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh sau 01 tháng vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia góp ý, trên địa bàn toàn tỉnh đã có gần 200.000 ý kiến đóng góp, đa số người dân đều tán thành dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Quá trình lấy ý kiến không chỉ là dịp để thu thập ý kiến mà còn là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, giúp nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của Hiến pháp, về quyền và nghĩa vụ công dân, từ đó củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác trước các luận điện xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Trung tá Lê Văn Quyết, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đồng Tháp khẳng định: “Đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình trên không gian mạng, kịp thời phát hiện đấu tranh các phần tử xấu, các thế lực thù địch lợi dụng góp ý, sửa đổi Hiến pháp năm 2013 để chống phá. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chưa phát hiện trường hợp nào lợi dụng sửa đổi, góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 để chống phá Đảng, Nhà nước. Tuyệt đối chúng ta không nghe theo hoặc là tin theo những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc trên không gian mạng liên quan đến vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013”.
Kết quả bước đầu của việc lấy ý kiến nhân dân đã khẳng định rõ ràng tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch của quá trình xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp. Hàng triệu ý kiến đóng góp của nhân dân trên cả nước đã được tổng hợp, phân tích kỹ lưỡng, là cơ sở quan trọng để các cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Sự tham gia tích cực của người dân đã khẳng định quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là minh chứng sống động cho tinh thần dân chủ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Thảo
Xem thêm các tin khác