
Khuyến cáo người dân các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em và cứu người bị đuối nước
Khuyến cáo người dân các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em và cứu người bị đuối nước
Thời gian gần đây, trên địa bàn Tỉnh xảy ra một số vụ đuối nước khiến nhiều người đuối nước, đặc biệt là trẻ em. Trong thời gian tới, học sinh, sinh viên và các em nhỏ sắp bước vào kỳ nghỉ hè, nhu cầu đi chơi, du lịch và nghỉ dưỡng tại các khu vui chơi, bãi tắm, bãi biển cũng như đi tắm sông, suối, ao hồ... sẽ gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Để có thể giảm thiểu tai nạn do đuối nước, mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo người dân các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em và cứu người bị đuối nước như sau:
1. Công tác phòng, chống đuối nước
Thứ nhất: Khuyến cáo, động viên những người chưa biết bơi (đặc biệt là trẻ nhỏ, học sinh) nên học, tập bơi. Khi gặp tình huống có nguy cơ bị đuối nước, nếu biết bơi thì họ sẽ có khả năng tự thoát hiểm hoặc có thể duy trì, kéo dài thời gian nổi của cơ thể đến khi có được sự cứu giúp của những người xung quanh hoặc bản thân họ có thể cứu, hỗ trợ những người khác bị đuối nước.
Thứ hai: Chỉ nên bơi ở những nơi được quy định (bể bơi, bãi biển...), có người giám sát và có các phương tiện cứu hộ; tuyệt đối tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Đối với trẻ em khi đi tắm nên mặc áo phao và có người lớn giám sát.
Thứ ba: Không nên bơi hoặc chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối và những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Tại những nơi nguy hiểm có thể dẫn đến đuối nước cần phải có các biển báo cấm hoặc cảnh báo để mọi người biết, đề phòng.
Thứ tư: Khi đi tắm ở bãi biển hoặc sông, hồ thì chỉ được tắm ở trong khu vực giới hạn quy định hoặc chỉ nên tắm gần bờ. Đặc biệt phải rất cẩn thận khi tắm ở các bãi biển có sóng lớn, vì nếu chủ quan thì rất dễ bị sóng cuốn ra ngoài và nguy hiểm đến tính mạng.
Thứ năm: Khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, ca nô...), phải chấp hành các quy định an toàn như: Mặc áo phao, ngồi ổn định, không chạy nhảy, trêu đùa trên tàu, xuồng....
Thứ sáu: Khi phát hiện thấy người đang có nguy cơ bị đuối nước thì phải hô hoán, báo động để mọi người gần đó đến ứng cứu. Đồng thời, nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114. Tuyệt đối không vội vàng lao xuống nước để cứu nạn nhân nếu không biết bơi hoặc không có kỹ năng, và các phương tiện cứu đuối, vì trong trường hợp đó người cứu đuối cũng có thể bị đuối nước giống như người gặp nạn trước đó.
2. Kỹ năng bơi tự cứu khi bị đuối nước
Một thực tế cho thấy, ngay cả những người biết bơi, thậm chí có kỹ thuật bơi rất tốt nhưng vẫn bị tử vong do đuối nước. Chính vì vậy, kiến thức về tự cứu khi đuối nước cần cho tất cả mọi người, kể cả những người đã biết bơi để có thể sống sót khi gặp sự cố bất ngờ xảy ra.
a. Đối với người không biết bơi hoặc mới biết bơi
Một đặc điểm mà những người không biết bơi cần chú ý đó là: Khi bị rơi xuống nước nếu nín thở thì cơ thể chúng ta sẽ dần nổi lên do lực đẩy của nước (theo Định luật Acsimet); lúc đó chỉ cần kết hợp tay, chân nhẹ nhàng để quạt nước đẩy đầu nhô lên khỏi mặt nước và hít nhanh, sâu không khí vào bằng miệng, sau đó tiếp tục nín thở và lặp lại quy trình như vậy thì có thể kéo dài thời gian sống sót để có được sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Trong mọi trường hợp, khi rơi xuống nước không nên cố vùng vẫy vì càng vùng vẫy sẽ càng nhanh mất sức và dần bị chìm xuống. Hãy cố bình tĩnh, thả lỏng người, nhắm mắt, nín thở (nhằm tránh nước tràn vào phổi) và kết hợp nhẹ nhàng tay, chân để nước đẩy người nổi lên, đồng thời thực hiện một số thao tác như sau:
- Đối với người không biết bơi: Khi rơi xuống nước, bình tĩnh, nín thở để người nổi lên. Khi người đã nổi, hãy giữ người ở tư thế thẳng đứng, lấy tay quạt nước đẩy đầu nhô lên khỏi mặt nước, nhanh chóng mở miệng để hít sâu không khí (Hình 1). Tiếp theo lại chìm xuống, thở ra từ từ bằng mũi và lặp lại chu trình nhô lên hít không khí bằng miệng, chìm xuống thở ra từ từ bằng mũi. Trong quá trình nhô lên khỏi mặt nước để hít thở có thể vẫy tay, kêu cứu để người trên bờ biết và tìm cách hỗ trợ.
Hình 1. Các bước bơi tự cứu
Với cách thức này, người bị nạn có thể duy trì, kéo dài thời gian sống sót để đợi người đến cứu hoặc lợi dụng dòng chảy để tiến dần vào bờ.
- Đối với người mới biết bơi: Hãy giữ bình tĩnh, hít thở sâu rồi sau đó úp mặt xuống nước, nhịn thở để toàn bộ cơ thể nổi trên mặt nước (Hình 2). Khi cơ thể đã nổi và ổn định chúng ta sẽ lật nghiêng đầu (hoặc ngửa mặt lên) mở miệng để hít không khí và đồng thời xác định hướng bờ, sau khi đã xác định được hướng bờ thì lại úp mặt xuống và nhẹ nhàng sải tay gạt nước để tiến dần về bờ, trong quá trình này cứ hai lần sải tay quạt nước sẽ nghiêng đầu sang một bên (hoặc ngửa mặt lên) để hít sâu không khí bằng miệng một lần.
Hình 2. Nín thở, úp mặt xuống nước cơ thể sẽ nổi tự nhiên
Lưu ý: Trong quá trình dùng tay gạt nước nhằm mục đích nhô đầu lên để hít thở hoặc để tiến dần vào bờ phải thật bình tĩnh, không vội vàng và luôn chỉ nghĩ đến mục tiêu kéo dài thời gian sống sót để đợi người đến cứu.
b. Đối với những người đã biết bơi
Trong tất cả các trường hợp, những người biết bơi, khi đang bơi mà nhận thấy mình có nguy cơ bị đuối nước do chuột rút, do bị dòng nước xoáy mạnh kéo hoặc do sóng lớn cuốn ra xa bờ thì điều quan trọng nhất trong lúc này là chúng ta phải thật bình tĩnh thả lỏng người, không cố vùng vẫy mà phải thực hiện một số thao tác theo các tình huống như sau:
- Tình huống khi đang bơi mà bị chuột rút (các cơ chân, cơ tay bị bó), nếu càng cố vùng vẫy thì tình trạng chuột rút sẽ càng nặng hơn. Trong trường hợp này, chúng ta hãy bình tĩnh (nếu còn sức thì hãy hít thật sâu và tạm thời lặn xuống để xoa, bóp vị trí chân, tay bó cơ nhằm cải thiện tình hình) thả lỏng người, định hướng phía bờ và áp dụng phương pháp bơi ngửa thư giãn (Hình 3) để tiến dần vào bờ.
Hình 3. Tư thế bơi ngửa thả lỏng
- Tình huống khi đang bơi không may gặp phải dòng nước xoáy hoặc dòng chảy mạnh hay sóng lớn kéo người ra xa bờ, điều quan trọng nhất lúc này là bình tĩnh và không được di chuyển ngược lại hướng dòng chảy hoặc cố bơi ra khỏi vùng xoáy, vì điều đó sẽ làm chúng ta mất sức vô ích. Trong trường hợp này, chúng ta cần phải thả lỏng và tiếp tục bơi theo đường vòng hay xiên chéo xuôi theo chiều dòng chảy để dần thoát ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của dòng chảy (hoặc dòng xoáy) và sau đó, bình tĩnh bơi vào bờ;
Thực tế cho thấy, với các tình huống nêu trên để giữ được bình tĩnh và có các thao tác đúng đắn là công việc không quá khó. Tuy nhiên, để trở nên thuần thục thì đòi hỏi mỗi cá nhân phải chủ động trong việc trau dồi kiến thức, kỹ năng, chuẩn bị về tâm lý và đặc biệt là phải thường xuyên thực hành những kỹ thuật đó để giúp chúng ta tránh được các sự cố không mong muốn bất ngờ xảy ra.
3. Kỹ năng cứu người bị đuối nước
Tùy vào tình hình thực tế và năng lực của mỗi cá nhân mà có phương pháp, biện pháp cứu người bị đuối nước sao cho phù hợp. Để đảm bảo vừa cứu được người bị nạn và vừa an toàn cho người ứng cứu, chúng ta có thể chia ra một số trường hợp sau:
* Trường hợp người tham gia cứu nạn không biết bơi hoặc biết bơi nhưng không đủ khả năng trực tiếp cứu người bị nạn
- Khi người tham gia cứu nạn không biết bơi thì cần phải bình tĩnh suy xét và nhanh chóng quan sát xung quanh tìm những vật có khả năng cứu người như cành cây, can nhựa, phao cứu sinh, dây thừng hoặc các vật thể nổi khác; sau đó đưa (hoặc quăng) các vật dụng đó đến vị trí người bị nạn để họ bám, víu rồi kéo dần người bị nạn vào bờ. Cụ thể như sau:
+ Trường hợp nạn nhân ở gần bờ, người cứu nạn có thể sử dụng tay hoặc cành cây để kéo nạn nhân lên bờ (Hình 4);
Hình 4. Sử dụng tay hoặc cành cây để cứu (nếu nạn nhân gần bờ)
+ Trường hợp vị trí của nạn nhân ở cách xa bờ, không thể sử dụng tay hoặc cành cây để cứu, khi đó có thể sử dụng các vật như phao tròn, dây thừng..., nhanh chóng quăng đến vị trí người bị nạn để họ có thể bám vào phao, dây và bơi dần vào bờ
Hình 5. Sử dụng phao có dây kéo hoặc dây thừng để cứu người bị nạn
+ Trong trường hợp người bị nạn ở quá xa bờ, vượt khỏi tầm quăng đến của các phương tiện cứu nạn như dây thừng, phao kéo... thì người cứu phải bằng mọi cách hô hoán, gọi cứu trợ để cứu người bị nạn một cách nhanh nhất có thể.
- Khi người cứu nạn biết bơi nhưng chưa có kỹ năng cứu đuối nước, để cứu được nạn nhân, người cứu nạn phải thực hiện một số bước sau:
+ Sử dụng phao tròn (phao có dây kéo thì càng tốt) hoặc các vật thể nổi khác để bơi ra gần nạn nhân.
Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì ra ký hiệu cho nạn nhân bám vào phao rồi sau đó vừa bơi vừa kéo phao đưa nạn nhân vào bờ. Trường hợp nạn nhân đã đuối sức, người cứu nạn nên tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đưa phao (hoặc vật thể nổi) ra phía trước mặt nạn nhân, dùng 2 tay luồn dưới 2 nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao đã đặt phía trước, giữ cho đầu nạn nhân nổi và sau đó bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ
Hình 6. Sử dụng phao tiếp cận phía sau để cứu nạn nhân
+ Trong trường hợp không có phao hoặc các vật thể nồi, người cứu nạn có thể sử dụng một sợi dây thừng buộc quanh eo mình và để dư một đoạn có độ dài nhất định để cho nạn nhân bám vào (chiều dài phần dây dư khoảng từ 3 đến 5 mét), đầu dây còn lại sẽ được cố định vào một điểm chắc chắn trên bờ hoặc do một người trên bờ giữ đầu dây. Khi bơi gần đến vị trí nạn nhân hãy hô to hoặc ra ký hiệu và quăng đầu dây đã để dư cho người bị nạn cầm, sau đó ra ký hiệu cho người trên bờ kéo dây vào hoặc người cứu nạn vừa bơi vừa co dây kéo theo nạn nhân di chuyển dần dần vào bờ
Hình 7. Cứu người đuối nước bằng dây
Lưu ý: Trong mọi trường hợp cứu đuối nước, nếu nạn nhân đang vùng vẫy mạnh thì người cứu nạn tuyệt đối không được trực tiếp ôm nạn nhân và không để nạn nhân bám vào người mình. Vì khi đó, nạn nhân đang bị hoảng loạn sẽ ôm và siết chặt, có thể làm cho cả nạn nhân và người cứu nạn cùng bị đuối nước.
* Trường hợp người cứu nạn biết bơi và có kỹ năng cứu đuối nước
- Người cứu nạn sẽ bơi tiếp cận từ phía sau nạn nhân, nếu nạn nhân nằm sấp thì tiến hành lật ngửa nạn nhân để phần mặt nhô cao hơn mặt nước. Tiếp đó, dùng hai tay xốc vào nách nạn nhân từ phía sau rồi bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ
Hình 8. Bơi ngửa cứu nạn nhân bị đuối nước
Ngoài ra, người cứu nạn có thể dùng hai tay ôm chặt hai bên đầu nạn nhân, giữ cho nạn nhân nằm ngửa phần mặt nạn nhân nhô cao hơn mặt nước, người cứu bơi ngửa để đưa nạn nhân vào bờ.
- Trong một số trường hợp khi nạn nhân gần chìm, tùy vào tình hình thực tế mà người cứu nạn có thể nắm cổ áo, nắm tóc nạn nhân từ phía sau và sử dụng kiểu bơi ếch nghiêng để kéo nạn nhân vào bờ. Lưu ý trong tất cả các trường hợp phải giữ cho mặt nạn nhân luôn ngửa và nổi trên mặt nước.
Hình 9. Bơi nghiêng cứu nạn nhân
4. Kỹ năng thoát nạn khi cứu đuối nước
Đặc điểm của người bị đuối nước thường rất hoảng loạn nên thường vùng vẫy mạnh và có xu hướng ôm, kéo và ghì chặt những gì nắm được, đặc biệt là sẽ ôm và ghì chặt khi thấy người cứu nạn bơi đến gần. Chính vì vậy, nếu người cứu nạn không khéo léo thì cả hai sẽ bị nguy hiểm tới tính mạng.
Để có thể thoát nạn trong tình huống bị nạn nhân ôm hoặc nắm chặt, người cứu nạn cần chú ý một số kỹ thuật sau:
a. Khi bị nạn nhân nắm chân
Người cứu nạn nhanh chóng co chân bị nắm lại, dùng chân còn lại đạp mạnh vào cằm của nạn nhân. Khi đó nạn nhân sẽ buông tay ra, lúc này người cứu nạn ổn định trạng thái và tìm cách tiếp cận khác để cứu nạn nhân.
Hình 10. Cách thoát ra khi bị người đuối nước nắm chân
b. Khi bị nạn nhân nắm cổ tay
Xoay cổ tay sao cho một cạnh của cổ tay hướng đến vị trí tiếp xúc giữa ngón cái và bốn ngón còn lại của nạn nhân. Sau đó giật mạnh, cổ tay ta sẽ tuột ra khỏi bàn tay đang nắm của nạn nhân.
Hình 11. Cách thoát ra khi bị người đuối nước nắm tay
c. Khi bị nạn nhân ôm cổ
Có thể dùng cách lấy một hơi thật sâu và lặn xuống kéo theo người bị nạn để họ tự buông ra. Nếu nạn nhân không buông, thì người cứu nạn luồn hai tay xuống, lồng vào giữa vòng tay của người bị nạn đang ôm, hai bàn tay người cứu nạn chụm lại rồi dùng lực hất tung lên cao. Khi đó nạn nhân sẽ buông tay ra, lúc này người cứu nạn bơi ra một khoảng cách nhất định so với người bị nạn và tìm cách tiếp cận hợp lý để cứu nạn nhân.
Hình 12. Cách thoát ra khi bị người đuối nước ôm cổ
d. Khi bị nạn nhân ôm từ phía sau
Khi đó người cứu dùng tay của mình lần tìm ngón út trên tay nạn nhân và bẻ ngược mạnh về phía sau, nạn nhân sẽ buông tay ra. Lúc đó người cứu nạn sẽ bơi ra vị trí thuận lợi, tiếp cận ra phía sau nạn nhân để tiến hành cứu đuối an toàn.
Hình 13. Cách thoát ra khi bị người đuối nước ôm từ phía sau
Tuấn Thanh
Xem thêm các tin khác