
Cảnh báo thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ cao – mọi người cần cảnh giác
Trong thời đại số hóa hiện nay, tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường. Chúng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản và gây rối loạn an ninh trật tự.
Ngày 16/04/2025, Công an xã Bình Tấn, tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận 01 trường hợp người dân đến trình báo phát hiện thủ đoạn mới của bọn tội phạm công nghệ cao nhằm lừa đảo chiểm đoạt tài sản trên app ngân hàng VPBank. Cụ thể đối tượng sử dụng thông báo có logo của app ngân hàng VPBank. Nhưng khi bấm vào thì không chuyển trực tiếp đến app ngân hàng mà chuyển đến ứng dụng Safari và yêu cầu thao tác trực tiếp trên trang web. Nhận thấy đây là thủ đoạn mới và muốn cảnh báo đế người dân không bị mất tiền oan, anh P.B.H đã đến Công an xã Bình Tấn, tỉnh Đồng Tháp để trình báo.
Thông báo chuyên nghiệp khiến người dùng không phân biện được app giả mạo
Qua tìm hiểu được biết đây là dạng mã độc GoldPickaxe, nhắm tới người dùng iPhone ở Việt Nam và Thái Lan, lấy thông tin đăng nhập, gồm cả khuôn mặt, từ đó vượt qua lớp bảo mật sinh trắc học. GoldPickaxe được coi là một trong những mã độc đầu tiên khai thác thành công trên nền tảng iOS. Mã độc này có cùng nguồn gốc với mã độc GoldDigger của nhóm GoldFactory, được công ty bảo mật Group-IB phát hiện từ giữa năm ngoái.
Với Android, người dùng chỉ cần cài ứng dụng qua file apk. Trong khi với iOS, kẻ gian sẽ lợi dụng nền tảng thử nghiệm ứng dụng của Apple là TestFlight, hoặc thuyết phục nạn nhân cài đặt hồ sơ Quản lý thiết bị di động (MDM) để có toàn quyền kiểm soát thiết bị.
Cơ chế tấn công của GoldPickaxe. Ảnh: Group-IB
Một số thủ đoạn mới phổ biến gần đây:
1. Giả mạo cơ quan chức năng để lừa đảo:
Các đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện hoặc gửi đường link giả mạo yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để “phục vụ điều tra”. Nhiều người vì hoang mang đã làm theo và bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
2. Lừa đảo qua mạng xã hội, ứng dụng chat:
Tội phạm tạo tài khoản giả danh người thân, bạn bè hoặc hack tài khoản rồi nhắn tin mượn tiền, gửi đường link giả mạo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, mã OTP hoặc chuyển tiền qua ví điện tử.
3. Đánh cắp thông tin qua các trang web giả mạo:
Nhiều trang web giả danh ngân hàng, thương mại điện tử, cơ quan nhà nước… có giao diện giống y thật nhằm đánh cắp thông tin đăng nhập, mã OTP hoặc dụ người dùng cài đặt phần mềm độc hại.
4. Đầu tư tài chính, tiền ảo đa cấp:
Tội phạm mời gọi đầu tư vào các dự án “siêu lợi nhuận”, sàn giao dịch tiền ảo không rõ nguồn gốc. Khi người dùng nạp tiền, chúng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc.
5. Giả mạo tuyển dụng, việc làm online:
Đăng tin tuyển dụng online, yêu cầu ứng viên đóng tiền “đặt cọc”, “mua hàng hoàn tiền” hoặc làm nhiệm vụ nhỏ để được nhận lương cao, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền.
KHUYẾN CÁO CỦA CƠ QUAN CHỨC NĂNG:
• Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại hoặc mạng xã hội.
• Không bấm vào các đường link lạ, không rõ nguồn gốc.
• Không chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ.
• Luôn xác minh thông tin qua các kênh chính thống.
• Tải và sử dụng phần mềm diệt virus, bảo mật đáng tin cậy.
• Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất.
HÃY CẢNH GIÁC – HÃY CHIA SẺ ĐỂ BẢO VỆ CHÍNH MÌNH VÀ NGƯỜI THÂN!
Ngọc Hùng - Bình Tấn (TB)
Xem thêm các tin khác