công an Đồng Tháp

null Cuộc gọi giả danh – Chiêu trò cũ, nạn nhân mới

Trang chủ Tin nổi bật

Cuộc gọi giả danh – Chiêu trò cũ, nạn nhân mới

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các loại tội phạm hoạt động mạnh trên không gian mạng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, không chỉ gây thiệt hại tài sản cho người dân mà còn ảnh hưởng uy tín của các cơ quan, tổ chức, gây hoang mang trong xã hội. Trong đó, thủ đoạn giả danh cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, thời gian gần đây, lợi dụng việc cơ quan chức năng thông báo, hướng dẫn quy trình cấp đổi, cấp mới thẻ căn cước theo quy định của Luật Căn cước, các đối tượng lừa đảo tự xưng cán bộ Công an gọi điện thoại cho công dân yêu cầu bổ sung, điều chỉnh thông tin cá nhân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi bị dẫn dụ vào “ma trận” của đối tượng, hầu hết các nạn nhân đều bị thao túng tâm lý, không giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt. Dù các cơ quan chức năng, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục thông tin cảnh báo về các chiêu trò, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo này, song vẫn còn không ít trường hợp “sập bẫy”.

Hình ảnh minh họa một trong các phần mềm giả mạo dịch vụ công. Nguồn: Inetrnet

Với “công thức chung”, ban đầu các đối tượng giả danh là cán bộ Công an địa phương nơi người dân đang cư trú gọi điện thoại thông báo căn cước của người dân bị lỗi trên hệ thống cần phải cung cấp thông tin để đồng bộ hóa dữ liệu dân cư còn thiếu hoặc bị lỗi; hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến đăng ký cấp thẻ Căn cước trên Cổng dịch vụ công cho trẻ em dưới 6 tuổi và từ 6 đến dưới 14 tuổi hoặc yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng giả mạo ứng dụng VneID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử,… và nhiều lý do khác do chúng tạo ra. Để tăng thêm độ uy tín, chúng yêu cầu người dân khẩn trương đến cơ quan Công an gặp cán bộ cụ thể (tên do chúng nghĩ ra) để được hướng dẫn. Trường hợp người dân có việc bận hoặc ở xa không đến được các đối tượng liền chớp thời cơ yêu cầu người dân phải nhanh chóng truy cập vào ứng dụng hoặc đường link do đối tượng cung cấp để hướng dẫn trực tuyến (các ứng dụng giả mạo được cấp quyền truy cập thiết bị ở mức cao bao gồm đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin chứa mã OTP), sau đó chiếm quyền điều khiển điện thoại di động và chiếm đoạt tài sản trong ứng dụng ngân hàng điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có thể nói thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là câu chuyện dài kỳ đang bủa vây người dùng mạng và để lại bài học đắt giá về ý thức cảnh giác, kỹ năng tự bảo vệ mình cho mỗi cá nhân. Để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trực tuyến, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân:

- Cần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn của người lạ; tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng nghi vấn. Cán bộ Công an các cấp không thực hiện việc gọi điện thoại hướng dẫn công dân truy cập vào các đường link lạ để chỉnh sửa, cập nhật thông tin; cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VneID hoặc thực hiện các thủ tục dịch vụ công từ các nguồn không chính thống.

- Thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ tục hành chính trên hệ thống Cổng thông tin điện tử hoặc Fanpage chính thức của Bộ Công an, Công an các địa phương; tìm đọc, chia sẻ những bài tuyên truyền cảnh báo phương thức, thủ đoạn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để “nâng cao sức đề kháng” trong cộng đồng. Trường hợp nghi vấn phải liên hệ Cảnh sát khu vực, Công an xã trên địa bàn hoặc Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn thực hiện.

- Nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, không công khai các thông tin như ngày tháng năm sinh, số CMND, CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng vào mục đích lừa đảo./.

Thoan Ngô

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 152, đường Đinh Bộ Lĩnh, Phường Mỹ Phong, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0273.3872948 Email: congantinh@dongthap.gov.vn