công an Đồng Tháp

null Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC & CNCH

HOME Tin nổi bật

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC & CNCH

Trong thời gian gần đây, toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả hết sức nặng nề, không chỉ về tài sản, sức khỏe mà còn là cả tính mạng con người. Bài học đắng lòng sau mỗi vụ cháy, đa phần là thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở.

Trong vụ cháy quán karaoke xảy ra ngày 6.9.2022 ở phường An Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương khiến 32 người chết, 17 người bị thương. Liên quan đến trách nhiệm để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ cơ sở là ông Lê Anh Xuân (sinh năm 1980, thường trú tại TP.HCM) để điều tra tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy". Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan chức năng xác định cơ sở kinh doanh karaoke An Phú có nhiều dấu hiệu vi phạm, như: Thiết kế xây dựng tại tầng 2 bị thay đổi so với sơ đồ kết cấu phòng cháy, chữa cháy. Một số phòng hát không đảm bảo kích thước theo quy định là trên 20m2. Biển quảng cáo và tường xây dựng che chắn bộ phận sảnh tầng 2, tầng 3. Ngoài ra, quản lý cơ sở không tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy. Cơ sở không tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn về phòng cháy chữa cháy cho nhân viên. Cơ sở karaoke An Phú đã không tổ chức thực tập phương án chữa cháy. Không thực hiện hướng dẫn an toàn phòng cháy chữa cháy của cơ quan kiểm tra, hướng dẫn trong quá trình kiểm tra nhất là hướng dẫn an toàn về điện. Bên cạnh đó, vào thời điểm xảy ra vụ cháy hệ thống phòng cháy chữa cháy như: chuông báo cháy, vòi phun nước không hoạt động. Đồng thời, không có phương tiện cứu nạn tại chỗ ở cơ sở.

Một trong bốn nguyên tắc của hoạt động PCCC đó là: “Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”. Khi đám cháy mới xảy ra thường là cháy nhỏ, nếu được phát hiện kịp thời và có lực lượng, phương tiện tại chỗ thì việc dập tắt đám cháy rất nhanh và đơn giản; nhưng nếu không phát hiện và không tổ chức chữa cháy kịp thời thì đám cháy sẽ phát triển lớn, việc tổ chức chữa cháy rất khó khăn, phức tạp và dẫn đến thiệt hại rất nghiêm trọng. Thực tiễn đã chứng minh, công tác PCCC có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Rõ ràng không ai khác ngoài người đứng đầu cơ sở giữ vai trò quan trọng trong công tác PCCC của cơ sở mình; bởi người đứng đầu cơ sở là người quyết định mọi hoạt động PCCC của cơ sở mình, cụ thể: từ việc ra quyết định thành lập lực lượng PCCC cơ sở; ban hành nội quy, quy định về PCCC ở cơ sở; đầu tư trang bị các phương tiện PCCC cần thiết; tổ chức duy trì hoạt động PCCC ở cơ sở… tất cả các vấn đề này đều do người đứng đầu cơ sở quyết định. Thực tế đã chứng minh, ở đâu người đứng đầu cơ sở quan tâm đến công tác PCCC thì ở đó công tác PCCC mới thật sự tốt.

Lực lượng Công an kiểm tra công tác PCCC&CNCH tại một công ty trên địa bàn huyện Châu Thành

Để bảo đảm an toàn PCCC đối với các cơ sở cũng như thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về công tác PCCC, mong rằng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh… thực hiện tốt các công tác sau: Ban hành nội quy, quy định an toàn PCCC chung cho cơ quan, doanh nghiệp và từng bộ phận phòng, ban, đơn vị cơ sở…; Ra quyết định thành lập đội PCCC cơ sở; hướng dẫn, chỉ đạo và duy trì hoạt động của lực lượng này; Thường xuyên kiểm tra đôn đốc nhắc nhở cán bộ, nhân viên chấp hành, thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về PCCC; khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về bảo đảm an toàn PCCC; Trang bị phương tiện PCCC; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy; tổ chức chữa cháy và giải quyết khắc phục hậu quả cháy; Hằng năm phải có dự trù kinh phí cho hoạt động PCCC của cơ sở, tập trung vào các công việc như: tuyên truyền huấn luyện, lập và thực tập phương án PCCC; trang bị các phương tiện PCCC; chế độ, chính sách để duy trì có hiệu quả Đội PCCC của cơ sở; Phối hợp với các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về PCCC; không gây nguy hiểm cháy, nổ đối với các hộ gia đình và cơ quan, tổ chức lân cận; Tổ chức thống kê, báo cáo theo định kỳ về tình hình PCCC; thông báo kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH trực tiếp quản lý những thay đổi lớn có liên quan đến bảo đảm an toàn về PCCC của cơ quan, tổ chức mình. Bên cạnh đó phải tham gia các hoạt động PCCC khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Cháy, nổ là điều không ai mong muốn xảy ra. Thế nhưng, nếu những người đứng đầu cơ sở không quan tâm đúng mức đến công tác PCCC thì hỏa hoạn có thể rình rập bất cứ lúc nào. Do vậy, người đứng đầu cơ sở cần nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật để nắm chắc nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC.

                                                               Thanh Thảo-Diễm Tâm (Phòng Cảnh sát hình sự)

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn