công an Đồng Tháp

null Sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông

Chi tiết bài viết Hoạt động ngành

Sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông

Việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về ba đột phá chiến lược, hiện thực hóa tư duy đổi mới, tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.

Qua thời gian gần 14 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008 (2008 – 2022), Luật đã đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của giao thông đường bộ về kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ và TTATGT; phục vụ tốt cho dân sinh, phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng; góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ trong bối cảnh số phương tiện tham gia giao thông gia tăng cao.

Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ".

Về cơ sở lý luận, pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ có lịch sử hình thành, phát triển độc lập và có đối tượng, phương pháp điều chỉnh mang tính đặc thù. Giao thông đường bộ là hoạt động mang tính phổ biến cao, khác với các lĩnh vực giao thông hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa vốn mang tính chuyên ngành. Bảo đảm TTATGT đường bộ là một nội dung trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, thuộc chức năng của Bộ Công an. Lực lượng Công an chịu trách nhiệm chính về bảo đảm TTATGT đường bộ, tập trung vào công tác quản lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (kiến thức, ý thức pháp luật, năng lực hành vi; kỹ năng điều khiển phương tiện đến quá trình chấp hành pháp luật, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông…). Hoàn thiện pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ theo hướng tách thành luật chuyên ngành phù hợp với xu hướng lập pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Về cơ sở chính trị, pháp lý, ban hành luật chuyên ngành điều chỉnh lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ như Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 13/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 30/1/2022 của Chính phủ…

Về cơ sở thực tiễn, hiện nay, việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008 phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế không hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển thực tế. Trước sức ép từ sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta, hạ tầng giao thông đường bộ đang phát triển mạnh mẽ, số phượng tiện tham gia giao thông đường bộ tăng cao (đặc biệt là xe máy tăng nhanh), việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông trên cả nước đã chuyển biến, nhưng vẫn hạn chế, dẫn đến tình hình TNGT và ATGT đường bộ trở thành "điểm nóng" nhất trong 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không. Do vậy, việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 là cấp thiết, nhằm khắc phục, hoàn thiện các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, tạo đà cho nền kinh tế nước ta đang phát triển mạnh, tiến kịp với sự phát triển chung của khu vực và quốc tế.

Tại Hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ" do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an khẳng định: Việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm khắc phục những yếu kém, bất cập trong lĩnh vực này, bởi Luật Giao thông đường bộ 2008 điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực khác nhau là an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ. Sau thời gian dài tổ chức thi hành đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực về hạ tầng, vận tải và TTATGT.

Việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên lĩnh vực giao thông đường bộ; là sự cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới. Hoàn thiện cơ sở pháp luật về TTATGT đường bộ, trong đó có Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự nói chung và trật tự, an toàn xã hội trên lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta trong tình hình hiện nay, mà còn là thể hiện trách nhiệm quốc gia trong thực thi các điều ước quốc tế mà sự Việt Nam là thành viên.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh giao thông (Bộ Công an) phát biểu tham luận tại Hội thảo

Văn hóa giao thông yếu kém của một bộ phận người dân là tác nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn. Do đó, cần phải xây dựng cho được văn hóa giao thông, với hạt nhân là ý thức tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các quy tắc an toàn giao thông. Những hiện tượng xã hội tiêu cực trong lĩnh vực giao thông đường bộ như: những vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ… và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đang trực tiếp đe dọa an ninh con người, an ninh xã hội, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, gây ra những hậu quả nặng nề trong đời sống dân sinh.

Thực tiễn đời sống đang đặt ra yêu cầu cấp bách, khách quan là phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật chuyên biệt để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ, khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót, hạn chế trong pháp luật hiện hành, hướng đến mục tiêu xây dựng một nền giao thông tiên tiến, văn minh, an toàn, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại

Thanh Thảo

Xem thêm các tin khác


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa chỉ: Số 27, đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Điện thoại: 0277.3852185 Email: congantinh@dongthap.gov.vn